TIN TỨC

Tin mới nhất

8 ngày trước

538 lượt xem

[Thông báo] Hoàn trả số dư và thu phí Quản lý thông tin tài khoản

Kính gửi: Quý Khách Hàng Chúng tôi: Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Bảo Kim ("Baokim") Địa chỉ: Số 311-313 Đường Trường Chinh, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Đại diện bởi: Ông Hoàng Thế Thanh – Chức vụ: Giám đốc Mã số doanh nghiệp: 0104432131 Tiếp nối Thông báo về việc thực hiện việc cập nhật thông tin, xác thực thông tin và liên kết Ví điện tử mà Baokim đã gửi tới Quý Khách Hàng vào ngày 28/02/2023, Baokim tiếp tục gửi thông báo đến Quý Khách Hàng về việc hoàn trả số dư và thu phí Quản lý thông tin tài khoản đối với (các) Ví điện tử không thực hiện cập nhật, xác thực thông tin và liên kết Ví điện tử theo nội dung Thông báo ngày 28/02/2023 ("Tài khoản") với nội dung chi tiết như dưới đây: 1. Quy định về việc hoàn trả số dư: a. Hình thức tiếp nhận: Quý Khách Hàng vui lòng liên hệ với Bộ phận chăm sóc khách hàng của Baokim thông qua một trong các hình thức sau: Liên hệ qua tổng đài điện thoại: 024.710.78.999; Gửi email cho Baokim: hotrokhachhang@baokim.vn; Liên hệ tại trụ sở của Baokim tại Số 311-313 đường Trường Chinh, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam; b. Hồ sơ đính kèm: - Quý Khách Hàng điền đầy đủ thông tin và ký vào Đơn đề nghị tra soát giao dịch theo biểu mẫu đính kèm Thông báo này, gồm: Họ và tên chủ tài khoản Ví điện tử; Số CMND/CCCD; Số tài khoản Ví điện tử; Số điện thoại; Email; Nội dung yêu cầu; Số tiền yêu cầu; - Hồ sơ/chứng từ Quý Khách Hàng cung cấp kèm theo Đơn đề nghị tra soát giao dịch cho Baokim để làm cơ sở đối chiếu và lưu trữ thông tin, gồm: Bản chụp từ bản gốc Đơn đề nghị tra soát giao dịch khiếu nại đã có đủ chữ ký và dấu (nếu có) của Quý Khách Hàng; và Bản chụp từ bản gốc CMND/CCCD và ảnh Selfie; hoặc Bản chụp Tài khoản ngân hàng đã liên kết với tài khoản; hoặc Chứng từ khác (nếu có): Hình ảnh các giao dịch đã phát sinh (gồm hình ảnh giao dịch trên website baokim/vn hoặc plus.baokim.vn của Baokim hoặc giao dịch khác trên nền tảng của đối tác thứ 3 nhưng có liên quan nhận tiền/rút tiền về tài khoản Ví điện tử của Baokim. Tải biểu mẫu tại đây. c. Thời gian tiếp nhận và phản hồi thông tin: Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày Baokim nhận đủ hồ sơ và tài liệu tại mục (b) nêu trên qua email hotrokhachhang@baokim.vn. 2. Quy định về việc thu Phí quản lý thông tin tài khoản: Mục đích: Duy trì hệ thống quản lý, lưu trữ thông tin, quy trình vận hành đối với tài khoản của Quý Khách Hàng, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc duy trì hệ thống máy chủ, cơ sở dữ liệu, nguồn lực vận hành để đảm bảo quá trình tra cứu, thực hiện thủ tục xác thực và hoàn trả số dư còn lại trong Tài khoản của Quý Khách Hàng Đối tượng bị thu phí: Những Tài khoản nhận được thông báo và đến ngày 30/06/2023 chưa thực hiện/chưa hoàn thành thủ tục hoàn trả số dư theo quy định tại mục 1 của thông báo này với Baokim. 3. Phí Quản lý thông tin tài khoản: Đơn vị tính: VNĐ Stt Loại phí Mức phí (đã bao gồm VAT) Ghi chú 1 Phí Quản lý thông tin tài khoản 11.000/Tài khoản/tháng - Đối với các Tài khoản còn số dư dưới 11.000 VNĐ, thì Baokim thực hiện thu phí tương ứng với tổng số dư còn lại. - Thời điểm thu phí là vào ngày cuối cùng của tháng và chỉ thu phí đối với những Tài khoản đến ngày thu phí nhưng chưa hoàn thành/chưa thực hiện thủ tục hoàn trả số dư với Baokim. - Phương thức thanh toán phí là khấu trừ trực tiếp vào số dư còn lại của Tài khoản. - Kỳ thu phí đầu tiên vào ngày 30/06/2023 đối với những Tài khoản mà đến ngày 30/06/2023 và Quý Khách Hàng chưa hoàn thành/chưa thực hiện thủ tục hoàn trả số dư với Baokim. Trân trọng cảm ơn!

22 ngày trước

424 lượt xem

Kết quả hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt năm 2022 và giải pháp tiếp tục triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025

Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/12/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định số 2006/QĐ-NHNN về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg với mục tiêu tạo sự chuyển biến sâu, rộng về TTKDTM trong nền kinh tế, thúc đẩy sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai thực hiện năm 2022. Khách hàng quét mã Baokim VietQR để thanh toán tại quầy của Chuỗi thời trang Torano. Ảnh: Thanh Tuấn. Để thúc đẩy TTKDTM theo Đề án trên, trong năm 2022, NHNN đã tập trung nghiên cứu nhiều giải pháp, xây dựng, hoàn thiện và triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, cụ thể: (i) Nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán trên cơ sở rà soát Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật NHNN, thực tiễn hoạt động thanh toán tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, triển khai Luật về hệ thống thanh toán tại một số nước trên thế giới. (ii) Tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM1. Đồng thời, chủ động triển khai nghiên cứu, xây dựng các dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động trung gian thanh toán, TTKDTM, giám sát các hệ thống thanh toán, mở và sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng. (iii) NHNN đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tham mưu về tiền kỹ thuật số quốc gia với sự tham gia của một số bộ, ngành, cơ quan liên quan và triển khai một số nghiên cứu về vấn đề này. (iv) Triển khai xây dựng công cụ giám sát dịch vụ trung gian thanh toán dựa trên thu thập dữ liệu bằng phương thức điện tử nhằm hỗ trợ công tác giám sát của NHNN đối với dịch vụ trung gian thanh toán. (v) Triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử2 - eKYC, Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ bằng eKYC3, cho phép khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng trực tuyến từ xa mà không cần phải đến quầy giao dịch của ngân hàng. (vi) Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) cho phép người dân khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận, sử dụng Mobile-Money để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền mặt. (vii) Tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác kết nối thanh toán song phương Việt Nam - Thái Lan về thanh toán bán lẻ sử dụng QR Code với mục tiêu thúc đẩy TTKDTM, giảm chi phí giao dịch và tăng cường sử dụng đồng bản tệ mỗi nước.   KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT 2022 Hạ tầng thanh toán vận hành ổn định, thông suốt, hoạt động TTKDTM năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực.  Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, thông suốt, tăng trưởng cao về cả số lượng lẫn giá trị giao dịch. Trong 11 tháng đầu năm 2022, TTKDTM qua các hệ thống thanh toán đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: (i) Số lượng giao dịch nội tệ qua hệ thống TTĐTLNH đạt trên 141,82 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 177,23 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 0,56% về số lượng và 31,39% về giá trị giao dịch; (ii) Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý hơn 3.770,15 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 38.101 nghìn tỷ đồng, tăng 99,79% về số lượng và 106,09% về giá trị. Về mạng lưới thiết bị phục vụ giao dịch thanh toán, đến cuối tháng 11/2022, toàn thị trường có 20.889 ATM, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021, có 404.726 POS, tăng 28,09% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả 11 tháng đầu năm 2022, TTKDTM trong nền kinh tế đạt hơn 6,6 tỷ giao dịch với giá trị hơn 192,38 triệu tỷ đồng (tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị); qua kênh Internet đạt hơn 1.192,67 triệu giao dịch với giá trị hơn 45,43 triệu tỷ đồng (tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3.941 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 39,4 triệu tỷ đồng (tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị); qua phương thức QR Code đạt hơn 59,6 triệu giao dịch với giá trị hơn 58,4 nghìn tỷ đồng (tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị); qua POS đạt hơn 564,54 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 932,93 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 53,57% và 48,78% so với năm 2021). Đến nay, đã có khoảng 18,8 triệu tài khoản và thẻ được mở bằng eKYC, đã có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức về mở thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-NHNN4 với hơn 13,2 triệu thẻ đang lưu hành. Trong năm 2022, các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân. Trong tháng 11/2022, NHNN và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tổ chức Lễ công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng QR Code giữa Việt Nam và Thái Lan. Về phía Việt Nam, một số ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia như NHTM cổ phần Tiên Phong, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín. Việc hợp tác hiệu quả giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hệ thống NHTM hai nước góp phần thúc đẩy giao thương, du lịch và đặc biệt là khuyến khích sử dụng đồng bản tệ mỗi nước. NHNN tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện một số mô hình thí điểm như: (i) Thí điểm phát triển một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn tại Việt Nam dựa trên sự hợp tác của các NHTM với các tổ chức khác hướng tới khách hàng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM (NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phối hợp với Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service; NHTM cổ phần Quân đội (MB) phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)); (ii) Thí điểm dịch vụ Mobile-Money, hướng tới khách hàng không có tài khoản thanh toán; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chấp thuận cho 03 doanh nghiệp viễn thông (Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media), Viettel) triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Đến cuối tháng 9/2022, số tài khoản Mobile-Money được mở tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm là hơn 2,34 triệu tài khoản với hơn 8,2 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, đạt gần 15 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 929 tỷ đồng. Ngày 06/10/2022, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Viettel và VNPT-Media tổ chức Lễ ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile-Money và tài khoản thanh toán, cho phép khách hàng có tài khoản Mobile-Money tại hai nhà mạng Viettel và VNPT có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tiếp với tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và ngược lại. Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công tiếp tục được NHNN, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán quan tâm, đẩy mạnh. NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công như: (i) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thúc đẩy thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt; chỉ đạo các NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money tham gia hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học5; (ii) Phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai Đề án 06 (Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); (iii) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thúc đẩy thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt6; (iv) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan triển khai thúc đẩy thanh toán điện tử đối với dịch vụ công, trong đó có thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, sau hơn 02 năm khai trương, có hơn 3,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,3 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bên cạnh các nỗ lực phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán và mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, ngành Ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, giúp tạo lập niềm tin và sự gắn bó của khách hàng. NHNN thường xuyên, định kỳ tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cảnh báo, khuyến nghị về các vấn đề rủi ro trong hoạt động thanh toán; đồng thời thường xuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập các báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của các hệ thống thanh toán, giám sát tình hình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh phát triển TTKDTM đó chính là công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính của NHNN và các TCTD. NHNN đã phối hợp các đơn vị liên quan và cơ quan báo chí tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm như: Phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam” và Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile-Money tại Việt Nam”; phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày thẻ Việt Nam năm 2022”; phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt - 16/6” hằng năm; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”.​ Những kết quả trên cho thấy, những chính sách, quy định về thúc đẩy TTKDTM đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đưa TTKDTM với những phương thức thanh toán phi tiền mặt như thẻ thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua QR Code chuyển tiền tức thời 24/7... trở nên quen thuộc, hữu ích với người dân, doanh nghiệp. Baokim, MediaMart, Amigo Fintech hợp tác triển khai thanh toán Mua trước trả sau. Ảnh: Thanh Tuấn. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TTKDTM GIAI ĐOẠN 2021-2025 Để triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTKDTM, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về TTKDTM; xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025. Thứ hai, tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống TTĐTLNH, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và hỗ trợ kết nối dịch vụ của các ngân hàng với các hệ thống của các ngành, lĩnh vực, dịch vụ khác. Thứ ba, thực hiện tổng kết, đánh giá sau 02 năm thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money và kiến nghị, đề xuất chính sách quản lý phù hợp. Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy TTKDTM trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tham gia xây dựng văn bản, chính sách, quy định, hướng dẫn cho việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong việc xác thực và định danh khách hàng. Thứ năm, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Từ những kết quả, nền tảng đã đạt được thời gian qua cùng với giải pháp theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, ngành Ngân hàng vững tin sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, thắng lợi mới về phát triển TTKDTM trong năm 2023. 1 Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 (đã được sửa đổi, bổ sung).  2 Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. 3 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. 4 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN. 5 Công văn số 5786/NHNN-TT ngày 19/8/2022. 6 NHNN đã có Công văn số 4908/NHNN-TT ngày 15/7/2022 gửi Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức TTKDTM. ThS. Phạm Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Theo Tạp chí ngân hàng

11 ngày trước

12727 lượt xem

Baokim và FPT Shop hợp tác triển khai bán vé xe điện tử trên hệ thống FPT Shop

11 ngày trước

12727 lượt xem

Baokim kết nối với FPT Shop để cung cấp hoạt động đặt, mua và thanh toán vé xe cho khách hàng của FPT Shop từ tháng 02/2022. Theo đó, khách hàng có thể chọn mua vé xe tại hệ thống hơn 630 của hàng FPT Shop trên toàn quốc. FPT Shop đã trở thành đơn vị cung cấp vé xe của hơn 550 hãng xe nổi tiếng có lịch trình di chuyển qua hơn 2600 tuyến đường trên cả nước. Khách hàng không những có thể chủ động hơn khi được lựa chọn chỗ ngồi, sắp xếp lịch trình di chuyển sớm, kiểm tra vé trước khi mua, mà còn có thể thanh toán nhanh chóng và tiện lợi hơn thông qua hệ thống thanh toán của Baokim. Đội ngũ nhân viên tại 630 điểm bán của FPT Shop sẵn sàng tư vấn vé xe khách cho khách hàng. Với sự kết nối thông qua API này cùng FPT Shop, Baokim được phép kinh doanh hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, là đại lý vé xe được ủy quyền khai thác bán và thu tiền bán vé. Baokim kết nối với hệ thống của FPT Shop và xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho tổng tiền bán vé phát sinh trong tháng (đã bao gồm VAT) cho FPT Shop sau khi đối soát. Phía FPT Shop được phép kinh doanh hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, kết nối hệ thống của bên FPT shop với hệ thống của Baokim để đặt mua và thanh toán tiền mua vé cho Baokim, thu tiền khách hàng thanh toán khi mua vé xe từ Baokim, xuất hóa đơn giải trị gia tăng về tiền vé cho từng khách hàng đặt vé qua hệ thống của bên FPT Shop, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại cho khách hàng. Sự kết hợp này giữa Baokim và FPT Shop mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng so với khi mua vé xe ở các đại lý thông thường: - Tiết kiệm hơn: giá vé xe mà FPT Shop cung cấp bằng giá so với mua trực tiếp tại các nhà xe, hơn nữa, lại luôn được cập nhật các chương trình khuyến mãi. Chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết, hệ thống tìm vé xe của FPT Shop sẽ hỗ trợ khách hàng kiếm vé xe phù hợp với nhu cầu được cá nhân hóa với chi phí tiết kiệm nhất. - Hoàn hủy vé tiện lợi: khi có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng vé, khách hàng có thể hoàn, hủy vé, giúp khách hàng có thể linh động khi di chuyển. - Đầy đủ hóa đơn: mọi giao dịch vé xe đều được xuất đầy đủ hóa đơn, và FPT Shop hỗ trợ liên hệ miễn phí với nhà xe khi khách hàng có nhu cầu. - Dễ dàng mua vé: hệ thống hơn 630 cửa hàng của FPT Shop trải dài khắp 63 tỉnh thành sẵn sàng phục vụ khách cần mua vé, vì thế khách hàng có thể tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi chuyển khi cần mua vé. Ngoài ra, việc khách hàng có thể mua vé từ 8h giờ sáng tới 22 giờ đêm, kể cả ngày lễ hay cuối tuần giúp khách hàng chủ động hơn so với việc phải mua vé tại các điểm bán vé của đại lý khác khi chỉ có thẻ mua vé trong giờ hành chính. Việc kết hợp kinh doanh hàng hóa số, dịch vụ số là xu hướng tất yếu của các đơn vị bán lẻ khi muốn nâng cao doanh thu mà vẫn tận dụng được cơ sở hạ tầng và định phí hoạt động doanh nghiệp. Một số dịch vụ hàng hóa số được Baokim định hướng phát triển. Ngoài dịch vụ vé xe, Baokim còn định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp, chuỗi bán lẻ kết nối hệ thống thanh toán với một số dịch vụ và hàng hóa số khác, với mục đích tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận của Đối tác/Khách hàng.

6 ngày trước

12666 lượt xem

Baokim, Insta và MediaMart bắt tay tích hợp dịch vụ Mua trước trả sau cho khách hàng

6 ngày trước

12666 lượt xem

MediaMart tăng cường trải nghiệm thanh toán cho khách hàng bằng cách tiên phong kết hợp cùng Baokim và Amigo Fintech tích hợp dịch vụ Mua trước trả sau lên website. Đi mua đồ điện máy, nội thất không mang tiền mặt không còn quá xa lạ đối với người dân Việt Nam. Đối với những món hàng cần thiết nhưng cao giá, người dân Việt có xu hướng chọn trả góp theo tháng hơn là trả tiền mặt cho cửa hàng. Theo số liệu báo cáo của Facebook vào cuối năm 2021 về hành vi mua sắm tại khu vực Đông Nam Á, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, số lượng hợp đồng mua trả góp online chiếm hơn 40% so với các hình thức thanh toán khác. Một ngân hàng cũng cho biết giá trị mua sắm trả góp bình quân tháng trong 3 tháng cuối năm 2021 tăng 67% so với giai đoạn giãn cách và tăng mạnh tới 92% so với trước đại dịch Covid-19. Chưa bao giờ người tiêu dùng lại tin tưởng việc mua trực tuyến các món hàng có giá trị cao như hiện nay. Theo ghi nhận của một trang thương mại điện tử, doanh thu các sản phẩm thuộc ngành hàng điện tử, điện máy quý 3/2011 tăng trưởng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Chính xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và sự thay đổi về tư duy mua sắm của người dùng đã tác động tới chính sách bán hàng của các ông lớn trong ngành bán lẻ điện máy Việt Nam. Tại các showroom của các hãng bán lẻ lớn, các quảng cáo trả góp 0% được ưu ái hiển thị và kích thích nhu cầu mua sắm những món hàng điện máy của người dân. Anh Duy Hưng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, một số đồ điện máy trong gia đình được anh ưu tiên sử dụng hình thức thanh toán trả góp như tủ lạnh, ti vi, máy tính khi chuyển về nhà mới để giảm áp lực tài chính tại thời điểm mua. "Chỉ mất chừng 30 giây để tôi hoàn tất thủ tục Mua trước trả sau các món đồ cần thiết ngay trên website của nhà bán lẻ mà không cần phải tới cửa hàng, thậm chí không cần có thẻ tín dụng", anh Hưng – tín đồ trung thành của giải pháp Mua trước trả sau cho biết. Không nằm ngoài xu hướng giúp các chuỗi bán lẻ gia tăng tối đa tỷ lệ chuyển đổi từ khách xem hàng tới khách mua hàng, Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Bảo Kim (Baokim) đã liên kết cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Bằng Hữu (Amigo Fintech) để cung cấp dịch vụ Mua trước trả sau – Không cần thẻ tín dụng Insta cho Công ty Cổ phần Media Mart Việt Nam (MediaMart). Lễ ký kết cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ba bên này chính thức diễn ra ngày 28/05/2022 sau một thời gian tích hợp hệ thống. Lễ ký kết Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán giữa Baokim – MediaMart và Amigo Fintech. Nguồn: Baokim.vn Theo đó, Amigo Fintech đóng vai trò cung cấp giải pháp Mua trước trả sau Insta và Baokim là đơn vị trung gian thanh toán triển khai tích hợp giải pháp này lên hệ thống website thương mại của MediaMart. Khách hàng của MediaMart có thể thanh toán trả góp ngay lập tức khi mua hàng trực tuyến trên website Mediamart.vn hoặc tại hơn 300 siêu thị điện máy - nội thất khắp Việt Nam. Hình thức Mua trước trả sau này đặc biệt thích hợp với các website của các chuỗi bán lẻ điện máy - nội thất do các mặt hàng này hầu hết có giá trị khá cao so với các mặt hàng tiêu dùng khác, khách hàng tới với cửa hàng mua hàng sẽ bị kích thích chi trả ngay khi tìm được giải pháp thanh toán phù hợp với năng lực tài chính hiện có, bởi họ đã có thời gian tìm hiểu từ trước về mặt hàng muốn mua. Giao diện thanh toán Mua trước trả sau một sản phẩm điện máy của MediaMart trên hệ thống thanh toán Baokim Plus. Nguồn: MediaMart. Nói về việc hợp tác ba bên này, ông Hoàng Thế Thanh – Giám đốc Baokim nhận định, sự hợp tác giữa các đơn vị trung gian thanh toán, công ty tài chính, và chuỗi bán lẻ để tích hợp các giải pháp thanh toán trực tuyến trong thời gian tới là tất yếu. Các nhà bán lẻ không những tiết kiệm được tối đa thời gian và nguồn lực vì chỉ cần thông qua cổng Baokim là có thể kết nối được với tất cả các Ngân hàng và dịch vụ thanh toán, mà còn ngay lập tức nâng cao tỷ lệ thanh toán đơn hàng và trải nghiệm giao dịch. Sự hợp tác ba bên hướng tới mục đích cùng khai thác tập khách hàng trẻ và thông minh. Nguồn: Baokim.vn Là đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ Mua trước trả sau, ông Đặng Thành Tuân - Phó giám đốc Amigo Fintech nhận định hợp tác thanh toán Mua trước trả sau trong ngành điện máy với MediaMart là tiên phong tại Việt Nam, nhằm hướng tới nhiều bên cùng khai thác tập khách hàng trẻ và mua sắm thông minh. Cùng chung quan điểm với ông Tuân, ông Vương Tuấn Anh – Giám đốc kinh doanh MediaMart cũng lạc quan về việc thanh toán Mua trước trả sau sẽ sớm phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam. "Việc tích hợp này giúp toàn trình mua sắm cũng như thanh toán của khách hàng trọn vẹn và dễ dàng hơn. Chúng tôi hướng tới việc loại bỏ mọi rào cản trong thanh toán của khách hàng trong thời gian tới, đúng với kim chỉ nam trong kinh doanh của MediaMart là "Không ngừng phát triển vì khách hàng", ông Tuấn Anh chia sẻ. Theo Cafebiz.vn

24 ngày trước

12628 lượt xem

Xu hướng Thanh toán số nở rộ trong ngành Bảo hiểm Việt Nam 2021

24 ngày trước

12628 lượt xem

Thanh toán số trở thành một trong những lựa chọn bắt buộc của các đơn vị bảo hiểm nếu muốn cạnh tranh tốt và tiếp tục phát triển trong những năm tới. Từ năm 2021 trở về trước, thế giới chứng kiến sự biến động không ngừng về thiên tai, dịch bệnh với quy mô châu lục, quốc tế và tần suất ngày một gia tăng. Ngành Bảo hiểm chịu ảnh hưởng to lớn khi phí bồi thường của các hãng bảo hiểm lớn trên thế giới đạt mức kỷ lục nếu so sánh với nhiều thập kỷ trước đó. Sự tăng lên không ngừng của số lượng các vụ tranh chấp trong ngành bảo hiểm liên quan đến hỗ trợ chi phí nằm viện và bồi thường khiến ngành Bảo hiểm chịu tổn thất nặng nề. Theo tính toán của AIR Worldwide, đến cuối năm 2021, tổn thất được bảo hiểm trên toàn cầu có khả năng chạm tới 106 tỷ USD. Ngành bảo hiểm Việt Nam chuyển mình để thích nghi với hoàn cảnh mới Để thích nghi với hoàn cảnh mới, các hãng bảo hiểm nỗ lực đổi mới và cung cấp nhiều giải pháp bảo vệ khách hàng với các gói bảo hiểm thiết thực, đồng vai sát cánh với khách hàng để cùng chiến đấu trong trận chiến Covid, đồng thời, mở rộng hợp tác với các tổ chức phi bảo hiểm, cải tiến liên tục về quy trình mua – thanh toán phí bảo hiểm sao cho trải nghiệm của khách hàng nhanh chóng, liền mạch và thuận tiện hơn. Trên thực tế tại Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp đại dịch. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16.71% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3.98% so với cùng kỳ 2020; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 (Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2021). Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm 2021 chứng kiến nhiều sự hợp tác ngoạn mục giữa các ông lớn trong ngành bảo hiểm và các tổ chức phi bảo hiểm. Tiêu biểu là thương vụ hợp tác giữa bảo hiểm nhân thọ AIA với sàn thương mại điện tử Tiki để mở rộng kênh liên kết giới thiệu và phân phối sản phẩm; thương vụ hợp tác giữa Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) với Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) để triển khai thêm kênh bán bảo hiểm tại điểm bán; hay ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền và chiến lược toàn diện giữa Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh để khai thác các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đối với xe ô tô, tài sản kỹ thuật, cháy nổ; hoặc thương vụ giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) hợp tác chiến lược kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng. Xu hướng số hóa kênh thanh toán của ngành Bảo hiểm trong năm 2021 Không chỉ tăng cường hợp tác toàn diện với các tổ chức phi bảo hiểm để đa dạng hóa kênh bán, các đơn vị bảo hiểm cũng tăng cường tối ưu trải nghiệm khách hàng để mang lại sự thuận tiện nhất trong tư vấn dịch vụ cũng như thanh toán các khoản phí bảo hiểm. Sự dịch chuyển này xuất phát từ sự thay đổi về nhu cầu và hành vi của khách hàng mua bảo hiểm trong những năm gần đây. Theo nghiên cứu của SRI (Viện nghiên cứu thuộc Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sỹ), đại dịch Covid đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và thói quen chi trả của người dân cho bảo hiểm. Cho dù là hoạt động bán bảo hiểm, chăm sóc tư vấn sau bán, yêu cầu bồi thường hay tiện ích bổ sung, người dân đều coi việc trao đổi trực tuyến là cần thiết. Theo các cuộc khảo sát người tiêu dùng tại Châu Á Thái Bình Dương, 66% số người được hỏi coi các tính năng trực tuyến là tiêu chí chính để mua bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, 42% những người được hỏi thích mua các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trực tuyến. Từ năm 2020 tới 2021, Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Bảo Kim (Baokim) – một đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đã đồng loạt nhận được sự hợp tác để triển khai các kênh thanh toán trực tuyến từ các đơn vị bảo hiểm, tiêu biểu như Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MBAL) , Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Bảo hiểm Việt Nam (BIC). Giao diện thanh toán trực tuyến khi khách hàng mua bảo hiểm của BIC. Theo đó, Baokim cung cấp các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật như Cổng thanh toán, Hỗ trợ Thu hộ, Hỗ trợ Chi hộ cho các đơn vị bảo hiểm. Cụ thể, với những dịch vụ này, khách hàng của các đơn vị bảo hiểm dễ dàng tra cứu thông tin phí bảo hiểm và thực hiện mua bảo hiểm cũng như thanh toán phí bảo hiểm cho các đơn vị bảo hiểm bằng Thẻ ATM, Thẻ tín dụng quốc tế, QR code, hoặc có thể Chuyển khoản, Trả phí tại các điểm thu hộ liên kết. Các Nhân viên kinh doanh, các Đại lý, Cộng tác viên bảo hiểm cũng có thể nhân tiền hoa hồng bán bảo hiểm hoặc tiền chi trả bồi thường từ các đơn vị bảo hiểm thông qua dịch vụ Hỗ trợ Thu hộ/Hỗ trợ Chi hộ mà Baokim cung cấp. Giao diện Cổng thanh toán trực tuyến của MBAL. Việc ứng dụng thanh toán trực tuyến vào ngành bảo hiểm giúp tăng sự minh bạch trong thanh toán, nhanh chóng trong giao dịch, và gia tăng trải nghiệm trên cả nền tảng web và app của các đơn vị bảo hiểm. Đồng thời, giúp các đơn vị gia tăng doanh thu qua các kênh bán bảo hiểm online, gạch nợ và bồi thường tự động, từ đó tối ưu vận hành, tiết kiệm thời gian, đồng thời hạn chế biến thủ tài sản. Baokim cung cấp giải pháp thanh toán toàn diện cho các Công ty Bảo hiểm, góp phần quan trọng trong việc tăng tốc độ kinh doanh và tăng tính cạnh tranh nhờ tự động hóa quy trình chi trả bồi thường, cung cấp mở rộng phương thức thanh toán nộp tiền cho Đại lý, Khách hàng, chi trả hoa hồng tức thời,… đồng thời cung cấp các giải pháp thanh toán trả góp, giúp người mua bảo hiểm tiếp cận các gói bảo hiểm có giá trị khi chưa đủ khả năng tài chính.. Để được tư vấn miễn phí về các dịch vụ thanh toán dành cho ngành Bảo hiểm, vui lòng liên hệ: Hotline: 024.071.78999 Email: info@baokim.vn Website: www.baokim.vn Trụ sở: Tầng 3, Hà Thành Plaza, 102 Thái Thịnh, Quận Đống Đa, Hà Nội.  

20 ngày trước

12558 lượt xem

VÍ ĐIỆN TỬ BAOKIM ĐƯỢC ĐĂNG NHẬP MỚI TẠI TRANG BAOKIM PLUS

20 ngày trước

12558 lượt xem

Từ ngày 18/08/2021, khách hàng khi đăng nhập vào Ví điện tử qua trang e-wallet.baokim.vn sẽ tự động được chuyển hướng sang trang Plus.baokim.vn. Đây là thay đổi nằm trong kế hoạch phát triển nền tảng thanh toán Baokim Plus với đầy đủ phương thức thanh toán hiện đại. Theo đó, tất cả các khách hàng là Doanh nghiệp hay cá nhân, khi sử dụng Ví điện tử và các dịch vụ khác của Baokim đều được đưa về một cổng kết nối duy nhất - Baokim Plus. Trong trang web portal này, tích hợp tất cả các phân hệ quản lý cần thiết để giúp Doanh nghiệp/cá nhân tối ưu toàn bộ quá trình bán hàng mà không mất nhiều nguồn lực: Quản lý Ví điện tử; Quản lý bán hàng; Quản lý mua hàng; Quản lý vận chuyển; Quản lý cửa hàng; Quản lý thanh toán; Quản lý mạng xã hội; Quản lý website và Chatbot; Quản lý khuyến mại, … Khi tiến hành chuyển đổi, hệ thống kỹ thuật vận hành của Baokim Plus đảm bảo sự bảo mật và an toàn về thông tin Ví điện tử của khách hàng, cũng như giữ nguyên lịch sử giao dịch, lịch sử nạp tiền, lịch sử rút tiền của Khách hàng.

Video

Podcast

HÔM NAY

PODCAST

Baokim Talk

Cập nhật tin tức, chia sẻ những câu chuyện về hoạt động Mua/Bán và trải nghiệm Thanh toán tại Việt Nam.

Podcast được phát hành 2 tuần/lần bởi Baokim