TIN TỨC

Tin mới nhất

8 ngày trước

538 lượt xem

[Thông báo] Hoàn trả số dư và thu phí Quản lý thông tin tài khoản

Kính gửi: Quý Khách Hàng Chúng tôi: Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Bảo Kim ("Baokim") Địa chỉ: Số 311-313 Đường Trường Chinh, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam Đại diện bởi: Ông Hoàng Thế Thanh – Chức vụ: Giám đốc Mã số doanh nghiệp: 0104432131 Tiếp nối Thông báo về việc thực hiện việc cập nhật thông tin, xác thực thông tin và liên kết Ví điện tử mà Baokim đã gửi tới Quý Khách Hàng vào ngày 28/02/2023, Baokim tiếp tục gửi thông báo đến Quý Khách Hàng về việc hoàn trả số dư và thu phí Quản lý thông tin tài khoản đối với (các) Ví điện tử không thực hiện cập nhật, xác thực thông tin và liên kết Ví điện tử theo nội dung Thông báo ngày 28/02/2023 ("Tài khoản") với nội dung chi tiết như dưới đây: 1. Quy định về việc hoàn trả số dư: a. Hình thức tiếp nhận: Quý Khách Hàng vui lòng liên hệ với Bộ phận chăm sóc khách hàng của Baokim thông qua một trong các hình thức sau: Liên hệ qua tổng đài điện thoại: 024.710.78.999; Gửi email cho Baokim: hotrokhachhang@baokim.vn; Liên hệ tại trụ sở của Baokim tại Số 311-313 đường Trường Chinh, Phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam; b. Hồ sơ đính kèm: - Quý Khách Hàng điền đầy đủ thông tin và ký vào Đơn đề nghị tra soát giao dịch theo biểu mẫu đính kèm Thông báo này, gồm: Họ và tên chủ tài khoản Ví điện tử; Số CMND/CCCD; Số tài khoản Ví điện tử; Số điện thoại; Email; Nội dung yêu cầu; Số tiền yêu cầu; - Hồ sơ/chứng từ Quý Khách Hàng cung cấp kèm theo Đơn đề nghị tra soát giao dịch cho Baokim để làm cơ sở đối chiếu và lưu trữ thông tin, gồm: Bản chụp từ bản gốc Đơn đề nghị tra soát giao dịch khiếu nại đã có đủ chữ ký và dấu (nếu có) của Quý Khách Hàng; và Bản chụp từ bản gốc CMND/CCCD và ảnh Selfie; hoặc Bản chụp Tài khoản ngân hàng đã liên kết với tài khoản; hoặc Chứng từ khác (nếu có): Hình ảnh các giao dịch đã phát sinh (gồm hình ảnh giao dịch trên website baokim/vn hoặc plus.baokim.vn của Baokim hoặc giao dịch khác trên nền tảng của đối tác thứ 3 nhưng có liên quan nhận tiền/rút tiền về tài khoản Ví điện tử của Baokim. Tải biểu mẫu tại đây. c. Thời gian tiếp nhận và phản hồi thông tin: Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày Baokim nhận đủ hồ sơ và tài liệu tại mục (b) nêu trên qua email hotrokhachhang@baokim.vn. 2. Quy định về việc thu Phí quản lý thông tin tài khoản: Mục đích: Duy trì hệ thống quản lý, lưu trữ thông tin, quy trình vận hành đối với tài khoản của Quý Khách Hàng, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc duy trì hệ thống máy chủ, cơ sở dữ liệu, nguồn lực vận hành để đảm bảo quá trình tra cứu, thực hiện thủ tục xác thực và hoàn trả số dư còn lại trong Tài khoản của Quý Khách Hàng Đối tượng bị thu phí: Những Tài khoản nhận được thông báo và đến ngày 30/06/2023 chưa thực hiện/chưa hoàn thành thủ tục hoàn trả số dư theo quy định tại mục 1 của thông báo này với Baokim. 3. Phí Quản lý thông tin tài khoản: Đơn vị tính: VNĐ Stt Loại phí Mức phí (đã bao gồm VAT) Ghi chú 1 Phí Quản lý thông tin tài khoản 11.000/Tài khoản/tháng - Đối với các Tài khoản còn số dư dưới 11.000 VNĐ, thì Baokim thực hiện thu phí tương ứng với tổng số dư còn lại. - Thời điểm thu phí là vào ngày cuối cùng của tháng và chỉ thu phí đối với những Tài khoản đến ngày thu phí nhưng chưa hoàn thành/chưa thực hiện thủ tục hoàn trả số dư với Baokim. - Phương thức thanh toán phí là khấu trừ trực tiếp vào số dư còn lại của Tài khoản. - Kỳ thu phí đầu tiên vào ngày 30/06/2023 đối với những Tài khoản mà đến ngày 30/06/2023 và Quý Khách Hàng chưa hoàn thành/chưa thực hiện thủ tục hoàn trả số dư với Baokim. Trân trọng cảm ơn!

22 ngày trước

422 lượt xem

Kết quả hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt năm 2022 và giải pháp tiếp tục triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025

Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/12/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định số 2006/QĐ-NHNN về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg với mục tiêu tạo sự chuyển biến sâu, rộng về TTKDTM trong nền kinh tế, thúc đẩy sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai thực hiện năm 2022. Khách hàng quét mã Baokim VietQR để thanh toán tại quầy của Chuỗi thời trang Torano. Ảnh: Thanh Tuấn. Để thúc đẩy TTKDTM theo Đề án trên, trong năm 2022, NHNN đã tập trung nghiên cứu nhiều giải pháp, xây dựng, hoàn thiện và triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, cụ thể: (i) Nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán trên cơ sở rà soát Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật NHNN, thực tiễn hoạt động thanh toán tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, triển khai Luật về hệ thống thanh toán tại một số nước trên thế giới. (ii) Tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM1. Đồng thời, chủ động triển khai nghiên cứu, xây dựng các dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động trung gian thanh toán, TTKDTM, giám sát các hệ thống thanh toán, mở và sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng. (iii) NHNN đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tham mưu về tiền kỹ thuật số quốc gia với sự tham gia của một số bộ, ngành, cơ quan liên quan và triển khai một số nghiên cứu về vấn đề này. (iv) Triển khai xây dựng công cụ giám sát dịch vụ trung gian thanh toán dựa trên thu thập dữ liệu bằng phương thức điện tử nhằm hỗ trợ công tác giám sát của NHNN đối với dịch vụ trung gian thanh toán. (v) Triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử2 - eKYC, Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ bằng eKYC3, cho phép khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng trực tuyến từ xa mà không cần phải đến quầy giao dịch của ngân hàng. (vi) Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) cho phép người dân khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận, sử dụng Mobile-Money để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền mặt. (vii) Tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác kết nối thanh toán song phương Việt Nam - Thái Lan về thanh toán bán lẻ sử dụng QR Code với mục tiêu thúc đẩy TTKDTM, giảm chi phí giao dịch và tăng cường sử dụng đồng bản tệ mỗi nước.   KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT 2022 Hạ tầng thanh toán vận hành ổn định, thông suốt, hoạt động TTKDTM năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực.  Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, thông suốt, tăng trưởng cao về cả số lượng lẫn giá trị giao dịch. Trong 11 tháng đầu năm 2022, TTKDTM qua các hệ thống thanh toán đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: (i) Số lượng giao dịch nội tệ qua hệ thống TTĐTLNH đạt trên 141,82 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 177,23 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 0,56% về số lượng và 31,39% về giá trị giao dịch; (ii) Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý hơn 3.770,15 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 38.101 nghìn tỷ đồng, tăng 99,79% về số lượng và 106,09% về giá trị. Về mạng lưới thiết bị phục vụ giao dịch thanh toán, đến cuối tháng 11/2022, toàn thị trường có 20.889 ATM, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021, có 404.726 POS, tăng 28,09% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả 11 tháng đầu năm 2022, TTKDTM trong nền kinh tế đạt hơn 6,6 tỷ giao dịch với giá trị hơn 192,38 triệu tỷ đồng (tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị); qua kênh Internet đạt hơn 1.192,67 triệu giao dịch với giá trị hơn 45,43 triệu tỷ đồng (tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3.941 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 39,4 triệu tỷ đồng (tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị); qua phương thức QR Code đạt hơn 59,6 triệu giao dịch với giá trị hơn 58,4 nghìn tỷ đồng (tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị); qua POS đạt hơn 564,54 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 932,93 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 53,57% và 48,78% so với năm 2021). Đến nay, đã có khoảng 18,8 triệu tài khoản và thẻ được mở bằng eKYC, đã có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức về mở thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-NHNN4 với hơn 13,2 triệu thẻ đang lưu hành. Trong năm 2022, các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân. Trong tháng 11/2022, NHNN và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tổ chức Lễ công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng QR Code giữa Việt Nam và Thái Lan. Về phía Việt Nam, một số ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia như NHTM cổ phần Tiên Phong, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín. Việc hợp tác hiệu quả giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hệ thống NHTM hai nước góp phần thúc đẩy giao thương, du lịch và đặc biệt là khuyến khích sử dụng đồng bản tệ mỗi nước. NHNN tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện một số mô hình thí điểm như: (i) Thí điểm phát triển một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn tại Việt Nam dựa trên sự hợp tác của các NHTM với các tổ chức khác hướng tới khách hàng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM (NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phối hợp với Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service; NHTM cổ phần Quân đội (MB) phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)); (ii) Thí điểm dịch vụ Mobile-Money, hướng tới khách hàng không có tài khoản thanh toán; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chấp thuận cho 03 doanh nghiệp viễn thông (Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media), Viettel) triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Đến cuối tháng 9/2022, số tài khoản Mobile-Money được mở tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm là hơn 2,34 triệu tài khoản với hơn 8,2 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, đạt gần 15 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 929 tỷ đồng. Ngày 06/10/2022, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Viettel và VNPT-Media tổ chức Lễ ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile-Money và tài khoản thanh toán, cho phép khách hàng có tài khoản Mobile-Money tại hai nhà mạng Viettel và VNPT có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tiếp với tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và ngược lại. Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công tiếp tục được NHNN, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán quan tâm, đẩy mạnh. NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công như: (i) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thúc đẩy thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt; chỉ đạo các NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money tham gia hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học5; (ii) Phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai Đề án 06 (Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); (iii) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thúc đẩy thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt6; (iv) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan triển khai thúc đẩy thanh toán điện tử đối với dịch vụ công, trong đó có thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, sau hơn 02 năm khai trương, có hơn 3,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,3 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bên cạnh các nỗ lực phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán và mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, ngành Ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, giúp tạo lập niềm tin và sự gắn bó của khách hàng. NHNN thường xuyên, định kỳ tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cảnh báo, khuyến nghị về các vấn đề rủi ro trong hoạt động thanh toán; đồng thời thường xuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập các báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của các hệ thống thanh toán, giám sát tình hình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh phát triển TTKDTM đó chính là công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính của NHNN và các TCTD. NHNN đã phối hợp các đơn vị liên quan và cơ quan báo chí tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm như: Phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam” và Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile-Money tại Việt Nam”; phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày thẻ Việt Nam năm 2022”; phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt - 16/6” hằng năm; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”.​ Những kết quả trên cho thấy, những chính sách, quy định về thúc đẩy TTKDTM đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đưa TTKDTM với những phương thức thanh toán phi tiền mặt như thẻ thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua QR Code chuyển tiền tức thời 24/7... trở nên quen thuộc, hữu ích với người dân, doanh nghiệp. Baokim, MediaMart, Amigo Fintech hợp tác triển khai thanh toán Mua trước trả sau. Ảnh: Thanh Tuấn. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TTKDTM GIAI ĐOẠN 2021-2025 Để triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTKDTM, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về TTKDTM; xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025. Thứ hai, tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống TTĐTLNH, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và hỗ trợ kết nối dịch vụ của các ngân hàng với các hệ thống của các ngành, lĩnh vực, dịch vụ khác. Thứ ba, thực hiện tổng kết, đánh giá sau 02 năm thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money và kiến nghị, đề xuất chính sách quản lý phù hợp. Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy TTKDTM trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tham gia xây dựng văn bản, chính sách, quy định, hướng dẫn cho việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong việc xác thực và định danh khách hàng. Thứ năm, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Từ những kết quả, nền tảng đã đạt được thời gian qua cùng với giải pháp theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, ngành Ngân hàng vững tin sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, thắng lợi mới về phát triển TTKDTM trong năm 2023. 1 Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 (đã được sửa đổi, bổ sung).  2 Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. 3 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. 4 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN. 5 Công văn số 5786/NHNN-TT ngày 19/8/2022. 6 NHNN đã có Công văn số 4908/NHNN-TT ngày 15/7/2022 gửi Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức TTKDTM. ThS. Phạm Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Theo Tạp chí ngân hàng

18 ngày trước

1723 lượt xem

Cung cấp bảo hiểm điện tử xe cơ giới cho khách hàng - tối đa hóa doanh thu cùng Baokim

18 ngày trước

1723 lượt xem

Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Bảo Kim (Baokim) hợp tác cùng các đơn vị cung cấp giải pháp bảo hiểm để tích hợp thêm dịch vụ Bảo hiểm vào hệ thống Baokim Plus, giúp nhà bán nâng cao doanh thu bằng cách cung cấp các dịch vụ bảo hiểm. Nhà bán chỉ cần đăng ký hợp tác cùng Baokim và ngay lập tức có thể sử dụng App Baokim Plus để gia tăng doanh thu thông qua dịch vụ số tiềm năng này.  Một trong số những gói Bảo hiểm được đưa lên App Baokim Plus là Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe máy. Trong tương lai rất gần, Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe ô tô sẽ góp mặt trong gói dịch vụ số này. BẢO HIỂM XE MÁY ĐIỆN TỬ LÀ GÌ? >>>  Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe máy là loại hình bảo hiểm bắt buộc dành cho chủ xe cơ giới tham gia giao thông, theo quy định của Nhà nước. >>>  Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy phải luôn mang theo giấy chứng nhận và xuất trình nếu được yêu cầu. Nếu không xuất trình được giấy chứng nhận bảo hiểm sẽ bị phạt với mức tiền từ 100.000 VND – 200.000 VND.   ĐỐI TƯỢNG BẢO HIỂM   >>>  Chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam. >>>  Chủ xe cơ giới (Tổ chức/Cá nhân) là chủ sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sở dụng hợp pháp, điều khiển xe cơ giới.   MỨC TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM   MỨC TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM 10 TRIỆU/VỤ Đối với thiệt hại về người (do xe gắn máy gây ra) 50 TRIỆU/VỤ Đối với thiệt hại về tài sản (do xe gắn máy gây ra) 10 - 100 TRIỆU/VỤ Đối với thiệt hại về người (do xe ô tô gây ra) 100 TRIỆU/VỤ Đối với thiệt hại về tài sản (do xe ô tô gây ra)   ƯU ĐIỂM CỦA BẢO HIỂM XE MÁY ĐIỆN TỬ ĐƯỢC BAOKIM CUNG CẤP       Nhận ngay tức thì, chỉ mất 60 giây       Lưu trữ online ngay trên Zalo, Email, Skype, Messenger,... => Xuất trình ngay, thay bản cứng, không cần tìm      Mua siêu tiện lợi, thanh toán siêu dễ qua App Baokim Plus      Tích hợp Hướng dẫn bồi thường và Xử lý tai nạn, không cần tra cứu thông tin      Cam kết bồi thường nếu giấy chứng nhận điện tử không được chấp nhận vì bất kỳ lý do gì   TẠI SAO DOANH NGHIỆP BẠN NÊN HỢP TÁC BÁN BẢO HIỂM XE MÁY NGAY VỚI BAOKIM? KHÔNG rủi ro tài chính, đọng vốn KHÔNG cần lưu kho KHÔNG phức tạp, luồng vận hành đơn giản KHÔNG cần đầu tư nguồn lực, công nghệ, nhân sự THÊM doanh thu, lợi nhuận THÊM khách hàng THÊM tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng   QUY TRÌNH BÁN BẢO HIỂM VÔ CÙNG ĐƠN GIẢN, NHANH CHÓNG ĐỌC THÊM: >>> Giải đáp A-Z về Bảo hiểm xe máy điện tử >>> Hướng dẫn xử lý tai nạn >>> Những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt người đi xe máy cần nắm >>> Baokim và IXT hợp tác toàn diện, thiết kế nền tảng công nghệ toàn diện cho ngành bảo hiểm

18 ngày trước

1638 lượt xem

Giải đáp từ A-Z về Bảo hiểm xé máy điện tử

18 ngày trước

1638 lượt xem

Tại sao tôi nên tham gia bảo hiểm xe máy bắt buộc? Bảo hiểm xe máy bắt buộc (Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới đối với bên thứ 3) là loại hình bảo hiểm BẮT BUỘC dành cho chủ xe cơ giới tham gia giao thông, theo quy định của Nhà nước. Tham gia bảo hiểm sẽ đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân nếu chủ xe chẳng may gây thiệt hại khi lái xe. Khi tham gia giao thông, bạn phải luôn mang theo giấy chứng nhận và xuất trình khi được yêu cầu. Bạn sẽ bị phạt với mức từ 100.000đ – 200.000đ nếu không xuất trình được giấy chứng nhận bảo hiểm. Bảo hiểm xe máy bắt buộc bồi thường cho ai? Bồi thường cho tài sản của nạn nhân (bên thứ ba) lên đến 50 triệu đồng/vụ do tai nạn gây ra. Bồi thường chi phi y tế, tử vong cho nạn nhân (bên thứ ba) lên đến 150 triệu đồng/người/vụ do tai nạn gây ra. Tài sản của tôi có được bảo hiểm không? Khi xảy ra tai nạn, tài sản (ví dụ: xe máy) của nạn nhân (bên thứ ba) mới được bảo hiểm, tài sản của chủ xe sẽ không được bảo hiểm. Bạn có thể tham gia thêm bảo hiểm xe máy tự nguyện để được bảo vệ cho xe của mình. Nếu bị thương khi gây ra tai nạn, chủ xe có được bảo hiểm không? Thương tật, tử vong của người thiệt hại (bên thứ ba/nạn nhân) mới được bảo hiểm. Thương tật của chủ xe gây tai nạn (bên thứ nhất) sẽ không được bảo hiểm theo quy định của bảo hiểm này. Bạn cần tham gia thêm bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe để đảm bảo quyền lợi cho mình. Tôi điền thông tin sai thì có được sửa đổi không? Như thế nào? Sau khi nhận giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, nếu bạn phát hiện thông tin sai lệch thì có thể liên hệ nhà bảo hiểm để được phát hành lại giấy chứng nhận mới hoặc biên bản sửa đổi cho giấy chứng nhận cũ. Sau bao lâu thì tôi nhận được nhận giấy chứng nhận bảo hiểm? Giấy chứng nhận điện tử được gửi ngay lập tức về email mà bạn đã đăng ký ngay sau khi bạn thực hiện giao dịch thành công. Nhân viên tư vấn bán bảo hiểm sẽ gửi cho bạn giấy chứng nhận điện tử qua Zalo, Messenger, Viber, Skype, ... nếu bạn yêu cầu. Bảo hiểm có hiệu lực trong bao lâu? Bảo hiểm xe máy bắt buộc thanh toán trên Baokim Plus có hiệu lực trong vòng 1 năm. Khi tham gia, bạn có thể chọn ngày bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực sớm nhất là ngày tiếp theo và trễ nhất là 1 tháng sau đó. Sử dụng bảo hiểm xe máy bắt buộc như thế nào? Khi xảy ra tai nạn, bạn cần làm theo những bước sau: Bước 1: Kiểm tra tình hình – Gọi trợ giúp, cấp cứu và sơ cứu nạn nhân nếu cần thiết. Bước 2: Liên hệ công ty bảo hiểm – Gọi hotline của công ty để được hướng dẫn kịp thời. Bước 3: Hoàn thiện hồ sơ – Thu thập chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại. Bước 4: Thống nhất phương án – Công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu có. Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử có được chấp nhận thay thế cho bản cứng không? Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử có hiệu lực tương đương bản cứng theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ và Thông tư 04/2021/TT-BTC ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Bộ Tài chính. Do đó, bạn có thể xuất trình giấy chứng nhận điện tử thay cho bản cứng khi được yêu cầu kiểm tra. Để an tâm hơn trong trường hợp bạn không thể kết nối mạng di động, hãy tải giấy chứng nhận điện tử về lưu trữ trên điện thoại của bạn và mở ra bất cứ khi nào. Sở hữu Bảo hiểm xe máy điện tử bằng cách nào? Hãy tới ngay hệ thống siêu thị Media Mart trên toàn quốc. Danh sách các siêu thị tại đây. Phân biệt với bảo hiểm tự nguyện Bảo hiểm tự nguyện là loại bảo hiểm không bắt buộc mà người tham gia giao thông có thể tham gia thêm nhằm mang lại quyền lợi chi trả bồi thường tài chính về tài sản hoặc người ngồi trên xe (bao gồm chủ xe và người đi cùng) khi gặp tại nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp. Tùy vào loại hợp đồng bảo hiểm được ký giữa người sử dụng bảo hiểm và công ty bảo hiểm, đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm và mức bồi thường sẽ được quy định trong hợp đồng. Bảo hiểm Trách nhiệm dân sự bắt buộc xe máy có mức phí là bao nhiêu? Theo quy định tại Thông tư 04/2021/TT-BTC, mức phí Bảo hiểm xe máy trách nhiệm dân sự bắt buộc tùy thuộc từng phương tiện như sau: Xe máy dưới 50 phân khối (dưới 50 cc), xe máy điện: 60.500 đồng / năm (đã bao gồm VAT) Xe máy (mô tô) trên 50cc: 66.000 đồng / năm (đã bao gồm VAT) Xe phân khối lớn (trên 175cc), xe mô tô 3 bánh, các loại xe khác: 319.000 đồng / năm (đã bao gồm VAT)  

14 ngày trước

1154 lượt xem

6 xu hướng vĩ mô định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam

14 ngày trước

1154 lượt xem

Khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030 Thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến từ trước COVID-19. Dưới tác động của đại dịch, xu hướng thanh toán không tiền mặt (TTKTM) tiếp tục bùng nổ và phát triển mạnh mẽ. Ở quy mô khu vực, Đông Nam Á (ĐNA) là mảnh đất màu mỡ thuận lợi cho xu hướng TTKTM và những đột phá về công nghệ trong hệ sinh thái số. Với 623 triệu khách hàng tiềm năng vào năm 2030, ĐNA được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên toàn cầu. Là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi tại ĐNA, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ. Tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này được dự báo sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2021 cùng với tốc độ tăng trưởng thường niên dự kiến là 15,7% vào năm 2025. Tuy nhiên, chỉ với 30% số người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam còn dư địa để tăng trưởng cao hơn nữa. Việc tăng cường sử dụng các dịch vụ số, bao gồm các giải pháp thanh toán điện tử, sẽ giúp Việt Nam khai thác tiềm năng này một cách nhanh chóng hơn. Để các dịch vụ thanh toán điện tử tạo ra tầm ảnh hưởng, trước tiên doanh nghiệp trong ngành cần phải hiểu rõ các xu hướng vĩ mô trên toàn cầu mà đang góp phần định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán. Từ đó làm tiền đề hình thành chiến lược giúp doanh nghiệp thích nghi với mọi thách thức tương lai. 6 xu hướng vĩ mô định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam Những xu hướng vĩ mô này - được thúc đẩy bởi sở thích của người tiêu dùng, công nghệ, luật định và M&A (mua bán và sáp nhập) - sẽ định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán trong vòng 5 năm tới. Tóm lược: Tương lai của lĩnh vực thanh toán 1. Tài chính toàn diện và niềm tin Các sản phẩm tài chính điện tử chính thống dự báo sẽ được sử dụng nhiều hơn do các sản phẩm này có tính khả dụng cao và rất tiện lợi. Do phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại ĐNA không có khả năng chi trả các chi phí liên quan đến chuyển đổi số, việc xoá nhoà những rào cản sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hội nhập thông qua con đường số hóa. Hoạt động ngân hàng thuận tiện và dễ tiếp cận hơn Tài chính toàn diện ở các nước đang phát triển, như Việt Nam, sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các thiết bị di động và khả năng tiếp cận các cơ chế thanh toán thuận tiện, giá cả phải chăng. Theo một khảo sát do Visa thực hiện, gần một phần ba người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng ngân hàng số để mua sắm và chuyển khoản. Nắm bắt cơ hội trên, các ngân hàng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, đặc biệt là các công ty fintech, tiếp tục mở rộng sản phẩm và khả năng đáp ứng của họ. Dưới đây là một số ví dụ: Techcombank hợp tác với Amazon Web Services và Backbase để triển khai các dịch vụ đám mây của mình. Đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng số, VPBank đã ra mắt ngân hàng số đầu tiên, VPBank Neo, vào năm 2021. NextPay, một công ty xử lý thanh toán, đặt mục tiêu huy động 100 triệu USD với một vòng gọi vốn thông qua phát hành riêng lẻ, chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2022. Timo, ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam, đã ký hợp tác chiến lược với Ngân hàng Bản Việt vào năm 2020 để tiếp tục mở rộng các dịch vụ.. Với mục tiêu tăng cường tài chính toàn diện, vào tháng 3/2021, Chính phủ đã phê duyệt một chương trình thí điểm kéo dài hai năm cho Mobile Money (Ví điện tử viễn thông). Chương trình này nhằm phục vụ đối tượng có điện thoại di động ở các vùng sâu vùng xa mà chưa được tiếp cận và khó tiếp cận với ngân hàng - cho phép người dùng thanh toán các hàng hoá và dịch vụ có giá trị thấp thông qua tài khoản điện thoại di động mà không cần đến ngân hàng truyền thống. 2. Tiền kỹ thuật số Xu hướng hiện nay đang nghiêng về tiền kỹ thuật số do người dùng mong đợi CBDC sẽ giảm chi phí giao dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới. Tại ĐNA, chúng tôi dự đoán các khoản đầu tư "khủng" từ các Ngân hàng Trung ương cho mục đích thử nghiệm CBDC. Phí giao dịch thấp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán xuyên biên giới ĐNA đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển của các loại tiền kỹ thuật số. Ấn phẩm "Báo cáo chỉ số phát triển: Cuộc đua tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) - Tâm điểm: Châu Á" đã cho biết dự án CBDC bán lẻ tiên tiến nhất trên thế giới là Bakong của Campuchia. Ra mắt vào năm 2020, dự án Bakong được kỳ vọng là sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện cho người dân Campuchia ở các vùng nông thôn. Giờ đây, họ có thể giao dịch thông qua ví điện tử, thay vì sử dụng dịch vụ tại các ngân hàng truyền thống. Do các lợi ích được nêu trên, cuộc đua tiến hành thí điểm CBDC và quá trình xây dựng các quy định cần thiết sẽ ngày càng gia tăng trong khu vực. Theo báo cáo trên, các dự án CBDC có hai mô hình chính: CBDC bán lẻ do người tiêu dùng và doanh nghiệp trực tiếp nắm giữ. CBDC liên ngân hàng / bán buôn chỉ dành cho các tổ chức tài chính Các quốc gia ĐNA như Thái Lan và Singapore được đánh giá cao trong lĩnh vực CBDC bán buôn. Cả hai quốc gia này đều tập trung vào các dự án xuyên biên giới cho phép Ngân hàng Trung ương của họ kiểm tra khả năng tương tác và kết nối quốc tế của dự án. Việt Nam có thể gia nhập cuộc đua phát triển CBDC cùng các nước trong khu vực. Theo Quyết định 942 mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao nhiệm vụ nghiên cứu thí điểm sử dụng 'tiền ảo' trong ba năm tới. Mặc dù chương trình thí điểm vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể, động thái của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam sẽ là tâm điểm trong thời gian tới. Một điểm đáng chú ý là khi triển khai CBDC, các quốc gia phải đánh giá cẩn thận mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, xương sống của bất kỳ loại tiền kỹ thuật số nào. 3. Ví điện tử và siêu ứng dụng ĐNA đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của ví điện tử do “thanh toán một chạm” đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Chúng tôi kỳ vọng khu vực này sẽ chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập và hợp tác kinh doanh lớn trong tương lai gần. Tiện lợi và nhiều lựa chọn hơn cho người dùng Thanh toán bằng ví điện tử tại ĐNA đạt giá trị hơn 22 tỷ USD vào năm 2019 và được dự đoán sẽ tăng hơn gấp năm lần, vượt quá 114 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường ví điện tử tiếp tục bùng nổ tại Việt Nam. Theo một khảo sát gần đây của Visa, 85% người tham gia khảo sát có ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán. 71% sử dụng các ứng dụng này ít nhất một lần một tuần. Với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam được ví như ‘chiếc áo đã chật’ trong vài năm qua. Ba ví điện tử dẫn đầu: Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần, không còn quá nhiều ‘đất’ cho các nhà cung cấp khác. Mặc dù vậy, các ví điện tử lớn cũng đang gặp khó khăn khi họ không thể hiện được lợi thế cạnh tranh của mình so với các ứng dụng phát triển bởi ngân hàng truyền thống vốn đã bắt kịp các chức năng của ví điện tử. Nhu cầu giành lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Các siêu ứng dụng có thể tạo ra là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa ví điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số khác (ví dụ: thương mại điện tử, gọi xe và giao đồ ăn). Dưới đây là một số ví dụ đáng chú ý về các thương vụ mua lại gần đây: Grab đã mua 3,5% cổ phần của Moca để liên kết chức năng thanh toán sang ví điện tử này. Airpay (nay là ShopeePay) đã bán 30% cổ phần cho Sea Ltd, công ty sở hữu Shopee Việt Nam. 4. Hệ thống thanh toán Mã QR thống nhất và việc áp dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) sẽ là ưu tiên trong các hệ thống thanh toán tại khu vực do nhu cầu phát triển khả năng tương tác và nâng cao chức năng thanh toán. Trong số 10 quốc gia ở ĐNA, có 7 quốc gia đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về mã QR. Số hoá tương tác và nâng cao chức năng thanh toán. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Khung mã QR quốc gia. Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) vừa ra mắt VietQR - thương hiệu chung cho dịch vụ thanh toán và chuyển khoản bằng mã QR, được xử lý qua mạng lưới của NAPAS và 14 ngân hàng thành viên, trung gian thanh toán và đối tác trong và ngoài nước. Về khía cạnh thương mại, các API ngân hàng mở sẽ hỗ trợ thanh toán B2B trong khu vực. Bằng cách cho phép xử lý theo thời gian thực và trao đổi thông tin đa dạng, API ngân hàng mở được kỳ vọng sẽ chuyển đổi cách thức thanh toán thông qua ngân hàng truyền thống và thay đổi cách thực hiện thanh toán B2B ngày nay. Sự xuất hiện của phương thức “Mua trước, Trả sau” (BNPL) đã đặt ngành thanh toán điện tử lên bệ phóng tăng trưởng. Được định giá khoảng 491,3 triệu USD vào năm 2021, phương thức này được dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2028. BNPL còn tương đối mới nhưng đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Khác với thẻ truyền thống, khả năng thiết lập tài khoản BNPL dễ dàng cũng như thanh toán trả góp với lãi suất 0% sẽ tạo ra sự chuyển dịch từ thanh toán thẻ sang các chương trình BNPL. Khi thống lĩnh thị trường, BNPL có thể mở rộng ra ngoài phạm vi lĩnh vực bán lẻ, sang các hình thức hỗ trợ tài chính cho SMEs, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện. 5. Thanh toán xuyên biên giới Cơ sở hạ tầng thanh toán thời gian thực trong nước đang thiết lập các mối liên kết xuyên biên giới cho cả thanh toán bán lẻ và thanh toán thương mại. Khi ĐNA tăng tốc quá trình hội nhập kinh tế, chúng tôi dự báo sự ra đời của các chính sách và quy định chặt chẽ liên quan đến thanh toán xuyên biên giới. Giao dịch thương mại và bán lẻ theo thời gian thực. Việc các giao dịch xuyên biên giới gia tăng và hành vi tiêu dùng thay đổi đối với thanh toán điện tử và thương mại điện tử đã thúc đẩy lĩnh vực thanh toán mở rộng, hướng tới hệ thống tiện lợi, phổ biến và an toàn. Ví dụ, vào tháng 4/2021, Thái Lan và Việt Nam đã ra mắt hệ thống thanh toán xuyên biên giới cho phép khách Thái Lan đến Việt Nam hoặc khách Việt Nam đến Thái Lan thực hiện thanh toán bằng QR thông qua ứng dụng ngân hàng di động. NHNN cũng đang dự thảo thông tư về TTKTM, cho phép các ngân hàng thương mại và các công ty thanh toán trung gian nội địa hợp tác với các công ty thanh toán trung gian quốc tế để cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế. Khung pháp lý này sẽ góp phần tạo điều kiện cho nhu cầu giao thương quốc tế hoặc các cơ hội tiềm năng khác. Chẳng hạn như một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam hàng năm phần lớn sử dụng các ví điện tử nước ngoài như Wechat Pay và Alipay. Ở quy mô ĐNA, ngày 2/6/2021, Việt Nam và Singapore đã thống nhất thành lập nhóm công tác kỹ thuật chung về Đối tác kỹ thuật số, tiến tới ký kết Hiệp định Kinh tế Kỹ thuật số (DEA). Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam thiết lập các khuôn khổ và quy tắc cho giao thương điện tử, từ đó, cho phép các doanh nghiệp trong nước kết nối trực tuyến với các quốc gia trong khu vực như Singapore một cách trơn tru hơn. 6. Tội phạm tài chính “Với tình hình tội phạm tài chính ngày càng tinh vi, ĐNA sẽ ngày càng phụ thuộc vào các bên liên quan trong công tác chống lại những hiểm hoạ này. Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ ủng hộ các khu vực pháp lý đã có những tiến bộ lớn trong lĩnh vực an ninh mạng, cả về phương pháp phòng ngừa lẫn nguồn lực ứng phó trong tương lai. Cần có biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn trong không gian mạng. Các quốc gia trong khu vực ĐNA phải đối mặt với các nguy cơ đến từ các doanh nghiệp dịch vụ tài chính phi ngân hàng, nhóm mới gia nhập thị trường và cần phải nhanh chóng tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Dựa trên khảo sát của Kaspersky về An ninh CNTT 2020, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam hứng chịu nhiều cuộc tấn công lừa đảo nhất vào khu vực trong năm 2020. Khi nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về an ninh mạng hơn và ở mức độ càng tinh vi hơn. Với nhận dạng kỹ thuật số, các cơ chế xác thực liên quan và hoạt động tội phạm gia tăng, việc lên kế hoạch cho phương pháp tiếp cận thống nhất nhằm chống tội phạm tài chính là rất quan trọng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần triển khai cơ sở hạ tầng thích hợp để đối phó với rủi ro an ninh mạng trong bối cảnh khách hàng ngày càng kỳ vọng vào việc thanh toán nhanh hơn với ít thao tác hơn. Để bảo vệ toàn diện, các biện pháp kiểm tra (ví dụ: chấm điểm rủi ro, cơ chế khóa) cần được áp dụng cùng với các công nghệ phòng ngừa (ví dụ: sinh trắc học, giải pháp phân tích trong phiên). Việt Nam đã tăng thứ hạng trong Chỉ số An ninh mạng Toàn cầu (GCI) vào năm 2020, đứng thứ 4 trong số 11 nước ASEAN và thứ 7 ở Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tiếp tục triển khai các hoạt động củng cố an ninh mạng. Việc tăng cường chia sẻ thông tin liên chính phủ hoặc các mối quan hệ hợp tác giữa tư nhân-nhà nước sẽ cho phép trao đổi thông tin tài chính một cách minh bạch, từ đó, phòng thủ mạnh mẽ hơn đối với tội phạm tài chính. Sẵn sàng cho tương lai Để thành công, doanh nghiệp trong hệ sinh thái thanh toán có thể lập kế hoạch để xác định điểm yếu và ưu tiên của họ như sau Doanh nghiệp Phục hồi  Sáng tạo  Định hình  Báo cáo Ngân hàng truyền thống Tận dụng các tiện ích quy trình để xử lý các dịch vụ không khác biệt như ATM Cân nhắc lại về việc phát hành thẻ cứng Ưu tiên ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh doanh Đa dạng hóa thành các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng, như dịch vụ bảo vệ dữ liệu Tận dụng công nghệ đám mây để lưu trữ dữ liệu đồng thời đảm bảo an ninh đám mây để đối phó với các rủi ro tiềm tàng (tức là bảo vệ dữ liệu mã hoá, máy chủ, ứng dụng và cơ sở dữ liệu)   Đầu tư, mua và triển khai hình thức thanh toán thời gian thực và cho phép hiển thị thông tin phong phú, thay thế hệ thống thanh toán truyền thống. Sử dụng siêu ứng dụng làm kênh phân phối và thu hút khách hàng mới. Phát triển các API để mang lại sự đổi mới trong lĩnh vực thanh toán thương mại. Tăng cường bảo mật và xác minh cho tất cả người dùng trong và ngoài tổ chức (ví dụ: giới thiệu mô hình Zero Trust)   Chia sẻ thông tin xuyên suốt tổ chức về các sự cố gian lận và phân tích dữ liệu về chống rửa tiền (AML), để chống lại tội phạm tài chính. Chia sẻ những tiến bộ công nghệ mới nhất trong việc phát hiện và ngăn chặn tội phạm tài chính. Báo cáo nhanh sau khi điều tra về các hoạt động đáng ngờ (ví dụ: báo cáo giao dịch theo thời gian thực)   Ngân hàng số Không áp dụng Cân nhắc lại về trải nghiệm thanh toán của khách hàng. Tạo trải nghiệm đa kênh và tùy chọn kênh liền mạch. Đánh giá lại nỗ lực cần thiết khi mang lợi ích của tài chính phi tập trung cho đại chúng. Tận dụng công nghệ và kinh nghiệm và tập trung vào ưu tiên của khách hàng - tăng nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Thiết lập hệ thống hướng tới hiệu quả cao và có khả năng tương tác với các dịch vụ thanh toán khác trên thị trường. Tận dụng ngân hàng mở để nâng cấp các dịch vụ và sản phẩm tạo ra giá trị. Chia sẻ thông tin về các nhu cầu chưa được đáp ứng của người dùng và xu hướng tiêu dùng. Chia sẻ các biện pháp đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu (ví dụ: khuôn khổ quản trị cho sử dụng dữ liệu chặt chẽ hơn). Báo cáo về giải pháp bền vững. Phương thức thanh toán khác (bao gồm ví điện tử và siêu ứng dụng) Tăng cường các tính năng bảo mật trong điện thoại di động để ngăn chặn gian lận, đánh cắp / rò rỉ dữ liệu, phần mềm độc hại (ví dụ: sử dụng xác thực đa yếu tố hoặc công nghệ sinh trắc học để xác thực thanh toán) Kiểm toán định kỳ rủi ro tín dụng cho những khách hàng tham gia vào các dịch vụ huy động vốn Đánh giá tiềm năng của việc chấp nhận và trao đổi CBDC để thúc đẩy việc áp dụng tiền kỹ thuật số Nghiên cứu các xu hướng thanh toán và các đối thủ cạnh tranh để thường xuyên nâng cấp các dịch vụ thanh toán Cân nhắc lại sự thỏa hiệp giữa sự thuận tiện của khách hàng và khả năng tiếp xúc với tội phạm mạng Hợp nhất cơ sở hạ tầng thanh toán, cho phép thực hiện các giao dịch xuyên biên giới với các loại tiền tệ khác nhau. Tăng cường cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng thương mại, như mở rộng dịch vụ BNPL cho các SMEs để hỗ trợ tài chính cho chuỗi cung ứng. Nâng cao khả năng giám sát giao dịch AML để kiểm tra đa tình huống cùng với việc thay đổi hệ thống thanh toán. Chia sẻ các biện pháp bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng và người bán. Thường xuyên cập nhật về quy định mới và các phương pháp phản hồi kịp thời. Viễn thông và bán lẻ Cho phép sử dụng các hình thức thanh toán quốc tế mà du khách ưa dùng tại các cửa hàng (ví dụ: AliPay và WeChat Pay). Áp dụng các phương thức tài chính thế hệ mới (tức là BNPL) cho người tiêu dùng. Chuyển đổi từ mã QR tĩnh sang mã QR biến đổi để nâng cao trải nghiệm thanh toán và bảo mật. Tái định hình các phương pháp quản lý chi phí của các thanh toán xuyên quốc gia ở mỗi bước của chuỗi giá trị thanh toán Xác định xu hướng thanh toán sắp tới ở nước ngoài và cân nhắc áp dụng những xu hướng đó vào bối cảnh địa phương. Giới thiệu các công nghệ mới trong các cửa hàng để cho phép thanh toán không quẹt thẻ và không tương tác (ví dụ: công nghệ cửa hàng không cần thu ngân, thanh toán sinh trắc học). Đầu tư vào các dịch vụ bảo vệ dữ liệu để xử lý thông tin của người tiêu dùng một cách có trách nhiệm. Số hóa các khoản thanh toán B2B để tăng tốc các giao dịch thương mại dọc theo chuỗi cung ứng và loại bỏ các quy trình thủ công. Triển khai các chiến dịch đào tạo hướng dẫn người tiêu dùng trong việc áp dụng các phương thức thanh toán mới. Doanh nghiệp khác (ví dụ: nhà cung cấp dịch vụ cho người bán, bên thứ ba cung cấp bộ xử lý và thiết bị đầu cuối) Điều chỉnh phí trên mỗi giao dịch một cách hợp lý cho các SMEs. Cung cấp các dịch vụ thanh toán tích hợp đa kênh cho các giao dịch B2C và B2B. Tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng vì các tổ chức thanh toán là mục tiêu tấn công với nguồn dữ liệu phong phú. Đánh giá sự phát triển trong ngành, hành vi thanh toán của người tiêu dùng và khoảng trống trong các công cụ xử lý hiện tại để đổi mới các công cụ thanh toán, nhằm mang lại trải nghiệm không quẹt thẻ dễ dàng hơn (ví dụ: công nghệ sinh trắc học). Nhìn nhận lại về tội phạm mạng: Đây là sự kết hợp của an ninh mạng và gian lận. Nâng cấp hệ thống, cho phép sử dụng các phương pháp xác thực khác và tạo mã QR biến động. Phát triển công nghệ để hỗ trợ các cơ hội mới nổi như CBDC. Phát triển một mô hình hoạt động toàn diện được tích hợp dữ liệu về hiểm hoạ mạng, góp phần hỗ trợ quá trình kiểm tra gian lận/an ninh mạng/AML hiệu quả và an toàn hơn. Báo cáo về các hoạt động đảm bảo an ninh dữ liệu (tức là phương pháp lưu trữ, xử lý và truyền dữ liệu). Báo cáo về các biện pháp và tiến độ trong việc hỗ trợ phát triển tài chính tài diện cho người bán. Nguồn: www.pwc.com/vn

13 ngày trước

1004 lượt xem

QR code và Mua Trước Trả Sau thống lĩnh thanh toán thời trang Việt

13 ngày trước

1004 lượt xem

Trang bị giải pháp QR code 1 chạm và Mua Trước Trả Sau – hai xu hướng thanh toán thống lĩnh thị trường bán lẻ thời trang Việt là cách để các doanh nghiệp thời trang tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ trải nghiệm 1 chạm và thanh toán QR code 1 giây… Công Sơn – 28 tuổi, nhân viên một hãng hàng không tự tin bước vào cửa hàng thời trang cao cấp trên đường Giải Phóng. Chỉ mất 1 giây quét mã Baokim VietQR, Sơn đã thanh toán xong 5 chiếc áo polo size M phong cách trẻ trung để làm hành trang cho chuyến bay tới Pháp cuối tuần. Khách hàng chỉ cần 1 chạm để hoàn thành thanh toán trong 1 giây qua Baokim VietQR, không cần nhập số tiền và nội dung thanh toán. Nguồn: Baokim.vn. Cửa hàng quần áo nam mà Sơn chọn mua nằm trong hệ thống bán lẻ thời trang nam Torano (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư T&L Việt Nam) vừa được trang bị phương thức thanh toán quét mã QR code thế hệ mới mang tên Baokim VietQR do Baokim (Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Bảo Kim) cung cấp. Khách đến với cửa hàng Torano chỉ mất 1 giây để quét mã QR trên tờ hóa đơn mà không cần phải nhập số tiền, nội dung chuyển khoản. Toàn bộ thông tin thanh toán của Sơn được mã hóa gồm thông tin định danh: Số tài khoản/thẻ, Mã hiệu ngân hàng, Số tiền, Nội dung thanh toán, Thông tin đơn hàng và các thông tin liên quan khác (nếu có) giúp việc khởi tạo lệnh thanh toán được thực hiện chính xác, nhanh chóng và an toàn. Sơn có thể lựa chọn chuyển khoản định danh từ 1 trong 52 ngân hàng nội địa hoặc các Ví điện tử phổ biến. Điểm ưu việt của Baokim VietQR. Nguồn: Baokim.vn Anh Lê Khánh Hùng, CEO Torano cho biết, quét mã QR để thanh toán đã quá quen thuộc trong cuộc sống người dân Việt Nam, và Torano cũng đã từng tích hợp giải pháp QR trước đây. Lựa chọn Baokim VietQR thay thế cho giải pháp cũ giống như việc nâng cấp phiên bản thanh toán thế hệ mới khi khách hàng chỉ cần 1 chạm là mua xong hàng, còn nhà bán lại tiết kiệm từ 70-95% phí thanh toán so với giải pháp cũ do Baokim VietQR tính phí thanh toán cố định chỉ vài trăm đồng trên một giao dịch. Torano ký kết triển khai Baokim VietQR trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc cùng Baokim. Nguồn: Baokim.vn. … tới xu hướng Mua Trước Trả Sau hàng thời trang trong tương lai gần Theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua QR code tăng 86% về số lượng và 127% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Cùng với QR code, Mua Trước Trả Sau được dự báo là hai phương thức sẽ xưng vương tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt trong giai đoạn 2021 – 2028, thị trường được dự đoán chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán thẻ sang Mua Trước Trả Sau (Theo báo cáo “Cách mạng thanh toán: Định hướng 2025 và tầm nhìn tương lai - Đông Nam Á vươn tầm cao mới” của PwC – 2022). Chỉ 5 phút tích hợp lên website là Nhà bán có đầy đủ công cụ thanh toán để khách hàng lựa chọn. Nguồn: Baokim.vn Ngành hàng thời trang đại chúng với đặc điểm giá trị trên đơn hàng không cao càng là mảnh đất màu mỡ để giải pháp Mua Trước Trả Sau phát triển. Nếu như trước đây người Việt có tâm lý mua trả góp các mặt hàng công nghệ như ô tô, điện thoại, laptop, thì hiện nay dần chuyển dịch sang các món đồ thời trang – phụ kiện như túi xách, nước hoa, đồng hồ, quần áo. Trong khi tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng thấp chỉ 5-6% (số liệu của Tổng cục Thống kê), nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng tăng cao (năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021), các dịch vụ vay tiền cầm cố lại có lãi suất quá cao, thì Mua Trước Trả Sau là lựa chọn hàng đầu trong thanh toán. Anh Hoàng Thế Thanh, CEO Baokim nhấn mạnh: “Không nhìn đâu xa, tại thị trường “hàng xóm” Indonesia, Kredivo đã rất thành công với mô hình phát triển Mua Trước Trả Sau trong ngành hàng thời trang khi cung cấp giải pháp này cho các sản phẩm và dịch vụ giá trị vừa và nhỏ, cho phép khách hàng mua trước và chia nhỏ khoản thanh toán theo kỳ mà không cần sử dụng thẻ tín dụng và chứng minh thu nhập hay tài khoản ngân hàng”. Nhìn thấy thị trường rộng mở tại Việt Nam, tháng 9/2022, Kredivo đã bắt tay cùng Baokim cung cấp giải pháp Mua Trước Trả Sau với hạn mức tới 25 triệu đồng. Bên cạnh Kredivo, Baokim gần đây cũng tích cực hợp tác với một số tổ chức tín dụng trong nước như Home Credit, Amigo Fintech, … để mang tới giải pháp Mua Trước Trả Sau đa dạng cho SMEs, trong đó có ngành hàng thời trang, anh Hoàng Thế Thanh cho biết thêm. Việc các chuỗi bán lẻ thời trang-phụ kiện như Torano hợp tác cùng các đơn vị trung gian thanh toán như Baokim là xu hướng tất yếu do các chuỗi có thể tiết kiệm tối đa thời gian và nguồn lực khi không phải trực tiếp làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ đầu vào mà vẫn có thể trang bị đầy đủ các giải pháp thanh toán cho khách hàng chỉ trong 5 phút. Việc hợp tác này mở rộng cánh cửa cho nhiều cơ hội kinh doanh chéo các dịch vụ/sản phẩm hàng hóa số mang tính xu hướng khác trong tương lai, dựa trên cơ sở nguồn lực sẵn có của cả hai bên. Baokim VietQR là giải pháp chuyển khoản định danh thế hệ mới do Baokim cung cấp. Khách hàng chỉ cần 1 chạm và 1 giây để thanh toán đơn hàng, giúp Nhà bán tiết kiệm 70-95% phí thanh toán thông thường. Ngoài Baokim VietQR, Baokim cung cấp nhiều dịch vụ trung gian thanh toán khác mang tính trọng điểm: Cổng thanh toán, Ví điện tử, Hỗ trợ Thu/Chi hộ, Trả góp qua thẻ tín dụng, Mua Trước Trả Sau, … Theo CafeF.vn

Video

Podcast

HÔM NAY

PODCAST

Baokim Talk

Cập nhật tin tức, chia sẻ những câu chuyện về hoạt động Mua/Bán và trải nghiệm Thanh toán tại Việt Nam.

Podcast được phát hành 2 tuần/lần bởi Baokim