TIN TỨC
Tin mới nhất
Kết quả hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt năm 2022 và giải pháp tiếp tục triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025
Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/12/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định số 2006/QĐ-NHNN về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg với mục tiêu tạo sự chuyển biến sâu, rộng về TTKDTM trong nền kinh tế, thúc đẩy sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai thực hiện năm 2022. Khách hàng quét mã Baokim VietQR để thanh toán tại quầy của Chuỗi thời trang Torano. Ảnh: Thanh Tuấn. Để thúc đẩy TTKDTM theo Đề án trên, trong năm 2022, NHNN đã tập trung nghiên cứu nhiều giải pháp, xây dựng, hoàn thiện và triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, cụ thể: (i) Nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán trên cơ sở rà soát Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật NHNN, thực tiễn hoạt động thanh toán tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, triển khai Luật về hệ thống thanh toán tại một số nước trên thế giới. (ii) Tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM1. Đồng thời, chủ động triển khai nghiên cứu, xây dựng các dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động trung gian thanh toán, TTKDTM, giám sát các hệ thống thanh toán, mở và sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng. (iii) NHNN đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tham mưu về tiền kỹ thuật số quốc gia với sự tham gia của một số bộ, ngành, cơ quan liên quan và triển khai một số nghiên cứu về vấn đề này. (iv) Triển khai xây dựng công cụ giám sát dịch vụ trung gian thanh toán dựa trên thu thập dữ liệu bằng phương thức điện tử nhằm hỗ trợ công tác giám sát của NHNN đối với dịch vụ trung gian thanh toán. (v) Triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử2 - eKYC, Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ bằng eKYC3, cho phép khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng trực tuyến từ xa mà không cần phải đến quầy giao dịch của ngân hàng. (vi) Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) cho phép người dân khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận, sử dụng Mobile-Money để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền mặt. (vii) Tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác kết nối thanh toán song phương Việt Nam - Thái Lan về thanh toán bán lẻ sử dụng QR Code với mục tiêu thúc đẩy TTKDTM, giảm chi phí giao dịch và tăng cường sử dụng đồng bản tệ mỗi nước. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT 2022 Hạ tầng thanh toán vận hành ổn định, thông suốt, hoạt động TTKDTM năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, thông suốt, tăng trưởng cao về cả số lượng lẫn giá trị giao dịch. Trong 11 tháng đầu năm 2022, TTKDTM qua các hệ thống thanh toán đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: (i) Số lượng giao dịch nội tệ qua hệ thống TTĐTLNH đạt trên 141,82 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 177,23 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 0,56% về số lượng và 31,39% về giá trị giao dịch; (ii) Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý hơn 3.770,15 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 38.101 nghìn tỷ đồng, tăng 99,79% về số lượng và 106,09% về giá trị. Về mạng lưới thiết bị phục vụ giao dịch thanh toán, đến cuối tháng 11/2022, toàn thị trường có 20.889 ATM, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021, có 404.726 POS, tăng 28,09% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả 11 tháng đầu năm 2022, TTKDTM trong nền kinh tế đạt hơn 6,6 tỷ giao dịch với giá trị hơn 192,38 triệu tỷ đồng (tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị); qua kênh Internet đạt hơn 1.192,67 triệu giao dịch với giá trị hơn 45,43 triệu tỷ đồng (tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3.941 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 39,4 triệu tỷ đồng (tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị); qua phương thức QR Code đạt hơn 59,6 triệu giao dịch với giá trị hơn 58,4 nghìn tỷ đồng (tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị); qua POS đạt hơn 564,54 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 932,93 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 53,57% và 48,78% so với năm 2021). Đến nay, đã có khoảng 18,8 triệu tài khoản và thẻ được mở bằng eKYC, đã có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức về mở thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-NHNN4 với hơn 13,2 triệu thẻ đang lưu hành. Trong năm 2022, các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân. Trong tháng 11/2022, NHNN và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tổ chức Lễ công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng QR Code giữa Việt Nam và Thái Lan. Về phía Việt Nam, một số ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia như NHTM cổ phần Tiên Phong, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín. Việc hợp tác hiệu quả giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hệ thống NHTM hai nước góp phần thúc đẩy giao thương, du lịch và đặc biệt là khuyến khích sử dụng đồng bản tệ mỗi nước. NHNN tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện một số mô hình thí điểm như: (i) Thí điểm phát triển một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn tại Việt Nam dựa trên sự hợp tác của các NHTM với các tổ chức khác hướng tới khách hàng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM (NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phối hợp với Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service; NHTM cổ phần Quân đội (MB) phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)); (ii) Thí điểm dịch vụ Mobile-Money, hướng tới khách hàng không có tài khoản thanh toán; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chấp thuận cho 03 doanh nghiệp viễn thông (Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media), Viettel) triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Đến cuối tháng 9/2022, số tài khoản Mobile-Money được mở tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm là hơn 2,34 triệu tài khoản với hơn 8,2 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, đạt gần 15 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 929 tỷ đồng. Ngày 06/10/2022, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Viettel và VNPT-Media tổ chức Lễ ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile-Money và tài khoản thanh toán, cho phép khách hàng có tài khoản Mobile-Money tại hai nhà mạng Viettel và VNPT có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tiếp với tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và ngược lại. Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công tiếp tục được NHNN, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán quan tâm, đẩy mạnh. NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công như: (i) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thúc đẩy thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt; chỉ đạo các NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money tham gia hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học5; (ii) Phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai Đề án 06 (Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); (iii) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thúc đẩy thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt6; (iv) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan triển khai thúc đẩy thanh toán điện tử đối với dịch vụ công, trong đó có thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, sau hơn 02 năm khai trương, có hơn 3,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,3 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bên cạnh các nỗ lực phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán và mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, ngành Ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, giúp tạo lập niềm tin và sự gắn bó của khách hàng. NHNN thường xuyên, định kỳ tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cảnh báo, khuyến nghị về các vấn đề rủi ro trong hoạt động thanh toán; đồng thời thường xuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập các báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của các hệ thống thanh toán, giám sát tình hình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh phát triển TTKDTM đó chính là công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính của NHNN và các TCTD. NHNN đã phối hợp các đơn vị liên quan và cơ quan báo chí tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm như: Phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam” và Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile-Money tại Việt Nam”; phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày thẻ Việt Nam năm 2022”; phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt - 16/6” hằng năm; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”. Những kết quả trên cho thấy, những chính sách, quy định về thúc đẩy TTKDTM đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đưa TTKDTM với những phương thức thanh toán phi tiền mặt như thẻ thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua QR Code chuyển tiền tức thời 24/7... trở nên quen thuộc, hữu ích với người dân, doanh nghiệp. Baokim, MediaMart, Amigo Fintech hợp tác triển khai thanh toán Mua trước trả sau. Ảnh: Thanh Tuấn. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TTKDTM GIAI ĐOẠN 2021-2025 Để triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTKDTM, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về TTKDTM; xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025. Thứ hai, tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống TTĐTLNH, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và hỗ trợ kết nối dịch vụ của các ngân hàng với các hệ thống của các ngành, lĩnh vực, dịch vụ khác. Thứ ba, thực hiện tổng kết, đánh giá sau 02 năm thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money và kiến nghị, đề xuất chính sách quản lý phù hợp. Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy TTKDTM trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tham gia xây dựng văn bản, chính sách, quy định, hướng dẫn cho việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong việc xác thực và định danh khách hàng. Thứ năm, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Từ những kết quả, nền tảng đã đạt được thời gian qua cùng với giải pháp theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, ngành Ngân hàng vững tin sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, thắng lợi mới về phát triển TTKDTM trong năm 2023. 1 Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 (đã được sửa đổi, bổ sung). 2 Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. 3 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. 4 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN. 5 Công văn số 5786/NHNN-TT ngày 19/8/2022. 6 NHNN đã có Công văn số 4908/NHNN-TT ngày 15/7/2022 gửi Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức TTKDTM. ThS. Phạm Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Theo Tạp chí ngân hàng
Baokim tham gia tích cực vào chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành Giáo dục
Hàng trăm ngàn phụ huynh/sinh viên tại hơn 300 trường học/cơ sở giáo dục toàn quốc có thể dễ dàng thanh toán học phí qua cổng thanh toán Baokim. Thay vì tất bật tranh thủ giờ hành chính để đến trường đóng học phí cho con, chị Thảo Nguyên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thể thao tác trên điện thoại để đóng khoản tiền này bất cứ lúc nào với tổng thời gian chỉ chưa đầy 1 phút. Hình thức đóng học phí trực tuyến mà chị Thảo Nguyên cũng như hàng triệu phụ huynh khác trên khắp cả nước đang sử dụng này là thành quả của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ những năm gần đây. Theo đó, hàng trăm nghìn trường học/cơ sở giáo dục đã triển khai mạnh mẽ phương thức này, theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục khắp các tỉnh thành. Công ty Cổ phần Thương mại Điện tử Bảo Kim (Baokim) là đơn vị trung gian thanh toán được nhiều trường học các cấp lựa chọn để triển khai hình thức thanh toán này, tiêu biểu là Khoa quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Tài chính Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Y dược Hải Phòng, sở giáo dục tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Long An, … Việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường/cơ sở giáo dục được hiểu đơn giản là phụ huynh/học sinh có thể đóng các khoản phí cho trường bằng các phương thức trực tuyến thay vì phải tới tận nơi đóng tiền trực tiếp theo cách truyền thống. Hiện, Baokim đang cung cấp tất cả các phương thức thanh toán trực tuyến như thanh toán chuyển khoản, thanh toán qua thẻ ATM, thanh toán qua thẻ Visa/Master/JCB, thanh toán qua QR Code, thanh toán qua Ví Momo, Ví ViettelPay, Ví ZaloPay, thậm chí thanh toán trả góp học phí qua thẻ tín dụng và qua Công ty tài chính. Trong đó, hình thức được nhiều phụ huynh, học sinh chọn thanh toán hơn cả là Thanh toán chuyển khoản và Thanh toán qua Thẻ ATM. Để sử dụng dịch vụ, các trường học/cơ sở giáo dục đào tạo cần có Hợp đồng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Baokim. Học sinh, sinh viên và phụ huynh chỉ cần tạo tài khoản và sử dụng dịch vụ Cổng thanh toán Baokim trên chính website của trường. Đánh giá về phương thức thanh toán trực tuyến, TS. Trần Diễm Hằng, Trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Hòa Bình cho biết: “Thông qua việc triển khai dịch vụ đóng học phí trực tuyến, khoa đã hạn chế được tình trạng quá tải, áp lực thu chi cho ban quản lý của khoa, đặc biệt vào mỗi dịp cao điểm đầu học kỳ. Nhà trường cũng có thể giảm bớt chi phí về hóa đơn giấy và tiết kiệm nguồn nhân lực. Đồng thời, việc quản lý học phí cũng được thực hiện chính xác, minh bạch, an toàn và nhanh chóng hơn”. Nam Khánh, sinh viên năm 4 khoa Quốc tế học, trường Đại học Quốc gia Hà Nội (một đơn vị đang sử dụng hệ thống thanh toán Baokim) hào hứng cho hay: “Em chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản trên website của nhà trường để có thể thanh toán học phí nhanh chóng, tiện lợi ở bất kì nơi đâu. Việc này tiết kiệm thời gian và tránh những thủ tục phiền phức cho chính bản thân em. Không những vậy, ba mẹ ở nhà cũng sẽ an tâm hơn khi dễ dàng theo dõi tất cả các chi phí chưa đóng hoặc đã đóng qua trang thông tin thanh toán”. Không chỉ giúp các bậc phụ huynh ở vùng thành thị thanh toán học phí nhanh chóng, mà giải pháp này còn giúp bà con ở vùng sâu vùng xa kiểm soát và dễ dàng thanh toán học phí cho con em mình, thông qua việc nộp/chuyển tiền vào tài khoản của trường tại 1.800 điểm thu hộ liên kết với Baokim khắp toàn quốc (hệ thống bưu cục của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) và hệ thống cửa hàng của Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom). Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế của xã hội hiện đại, và việc triển khai toàn diện tại các trường học/cơ sở giáo dục khắp toàn quốc là tất yếu. Đại diện của Vụ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Việt Hà cho biết, tới tháng 7/2022, đã có 90% cơ sở Giáo dục và Đào tạo thu học phí qua ngân hàng thương mại, 80% sinh viên nộp học phí qua ngân hàng, 87% cơ sở Giáo dục và Đào tạo chuyển lương qua hệ thống ngân hàng. Đây là một kết quả khả quan đối với ngành giáo dục Việt Nam sau khi triển khai Đề án 241 về thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ, và công văn số 5421 để chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo quán triệt các đơn vị thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chuyển khoản qua thẻ ATM
Ngày càng xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo dụ dỗ người dùng CHUYỂN KHOẢN TIỀN một cách chuyên nghiệp, tinh vi. Nhiều người không cảnh giác đã mất trắng hàng trăm triệu đồng chỉ trong 2 lần chuyển khoản. Dưới đây là một số THỦ ĐOẠN DỤ DỖ BẠN CHUYỂN KHOẢN thường gặp mà bạn cần tỉnh táo nếu không muốn mất tiền oan: 1. THỦ ĐOẠN Giả danh Nhân viên Ngân hàng, liên hệ với chủ thẻ ATM yêu cầu Hỗ trợ kích hoạt, mở Thẻ tín dụng, … Chủ thẻ sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như: Số tài khoản, Số CCCD, … Xác minh số dư của người bị hại. Ví dụ như mở Thẻ tín dụng phải chứng minh khả năng tài chính Chủ thẻ được yêu cầu cung cấp OTP (OTP để thực hiện giao dịch trừ tiền) với lý do hỗ trợ kích hoạt thẻ 2. CÁCH THỨC CHIẾM ĐOẠT Giả danh đơn vị bán hàng để hợp tác với đơn vị cung cấp Cổng Thanh Toán nhằm thực hiện giao dịch thanh toán Tiếp nhận thông tin từ nạn nhân và thực hiện thao tác thanh toán đơn hàng Nhận OTP từ chủ thẻ và thực hiện xác nhận thanh toán thành công Lấy lý do giao dịch bị treo hoặc lỗi và tiếp tục hành vi lừa đảo của mình nếu nạn nhân còn số dư Là một đơn vị cung cấp các Dịch vụ thanh toán, Baokim khuyến cáo Khách hàng/Người dùng: KHÔNG CUNG CẤP OTP cho người lạ KHÔNG CUNG CẤP GIẤY TỜ TUỲ THÂN cho người lạ Không gửi thêm bất kỳ thông tin gì cho người lạ kể cả khi được Người đó gửi hình CCCD để nạn nhân chủ quan và tin tưởng người đó làm ở Ngân hàng thật (Rất có thể CCCD đó là giả). Dưới đây là một số hình ảnh thủ đoạn lừa đảo mà Baokim đã thu thập được. Cùng chia sẻ bài viết để CẢNH BÁO cho những người thân quen của bạn nhé!
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không Make in Viet Nam, chúng ta không thể đi ra thế giới
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Không Make in Viet Nam, chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. >>> Baokim Plus xuất sắc lọt Top 12 giải MAKE IN VIET NAM cho hai hạng mục: Kinh tế số và Xã hội số Sáng 11/12, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề: Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự Diễn đàn. Doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32% Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Đây là dịp kỷ niệm ngày lễ đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12. Việt Nam đến giờ có lẽ vẫn là nước duy nhất trên thế giới có ngày vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu Diễn đàn là thời điểm chúng ta nhìn lại, tổng kết, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thông qua giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam. “Đây là những sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43% và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỷ USD. Năm 2019, chúng ta đã đặt tên, khai sinh ra cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với sứ mệnh Make in Viet Nam: Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. “Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công mà còn sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu” - Bộ trưởng nêu. Sứ mệnh mới của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, phát triển kinh tế số quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Vì chúng ta có hạ tầng, công nghệ, nhân lực, hiểu biết chuyển đổi số, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành và vì vậy sự phát triển chuyển đổi số ở Việt Nam rất chậm. Phát triển ứng dụng số cho các ngành chính là sáng tạo sản phẩm và cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Bộ trưởng lấy dẫn chứng, nhà mạng China Mobile của Trung Quốc một năm chi tới 4 tỷ USD để phát triển các ứng dụng, các Use Case cho các ngành công nghiệp. Họ đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp, và doanh thu hàng năm của China Mobile vì thế mà tăng trên 10%. Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020. Vậy hàng chục ngàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành. Bộ trưởng cũng chia sẻ, năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực. Năm 2024 cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới. Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà. “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng” - Bộ trưởng nói. Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã có những tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ... Năm 2023, tỉnh đã tiếp nhận 861.990 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó đã giải quyết 99,7% đúng hạn và trước hạn; trên 77% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí được thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp tỉnh Quảng Ninh đạt trên 82%, cao gấp 1,5 lần trung bình trung toàn quốc (tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình toàn quốc đạt gần 50%), trong đó: cấp xã đạt trên 75%, cấp huyện đạt trên 80%, cấp tỉnh đạt trên 85%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên ba trụ cột đó là: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 35% GRDP của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Video
Podcast
HÔM NAY
PODCAST
Baokim Talk
Cập nhật tin tức, chia sẻ những câu chuyện về hoạt động Mua/Bán và trải nghiệm Thanh toán tại Việt Nam.
Podcast được phát hành 2 tuần/lần bởi Baokim