Triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/12/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Quyết định số 2006/QĐ-NHNN về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg với mục tiêu tạo sự chuyển biến sâu, rộng về TTKDTM trong nền kinh tế, thúc đẩy sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai thực hiện năm 2022.
Khách hàng quét mã Baokim VietQR để thanh toán tại quầy của Chuỗi thời trang Torano. Ảnh: Thanh Tuấn.
Để thúc đẩy TTKDTM theo Đề án trên, trong năm 2022, NHNN đã tập trung nghiên cứu nhiều giải pháp, xây dựng, hoàn thiện và triển khai nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, cụ thể:
(i) Nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán trên cơ sở rà soát Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật NHNN, thực tiễn hoạt động thanh toán tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, triển khai Luật về hệ thống thanh toán tại một số nước trên thế giới.
(ii) Tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM1. Đồng thời, chủ động triển khai nghiên cứu, xây dựng các dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động trung gian thanh toán, TTKDTM, giám sát các hệ thống thanh toán, mở và sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng.
(iii) NHNN đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tham mưu về tiền kỹ thuật số quốc gia với sự tham gia của một số bộ, ngành, cơ quan liên quan và triển khai một số nghiên cứu về vấn đề này.
(iv) Triển khai xây dựng công cụ giám sát dịch vụ trung gian thanh toán dựa trên thu thập dữ liệu bằng phương thức điện tử nhằm hỗ trợ công tác giám sát của NHNN đối với dịch vụ trung gian thanh toán.
(v) Triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử2 - eKYC, Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ bằng eKYC3, cho phép khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng trực tuyến từ xa mà không cần phải đến quầy giao dịch của ngân hàng.
(vi) Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) cho phép người dân khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận, sử dụng Mobile-Money để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền mặt.
(vii) Tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác kết nối thanh toán song phương Việt Nam - Thái Lan về thanh toán bán lẻ sử dụng QR Code với mục tiêu thúc đẩy TTKDTM, giảm chi phí giao dịch và tăng cường sử dụng đồng bản tệ mỗi nước.
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT 2022
Hạ tầng thanh toán vận hành ổn định, thông suốt, hoạt động TTKDTM năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, thông suốt, tăng trưởng cao về cả số lượng lẫn giá trị giao dịch. Trong 11 tháng đầu năm 2022, TTKDTM qua các hệ thống thanh toán đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: (i) Số lượng giao dịch nội tệ qua hệ thống TTĐTLNH đạt trên 141,82 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 177,23 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 0,56% về số lượng và 31,39% về giá trị giao dịch; (ii) Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý hơn 3.770,15 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 38.101 nghìn tỷ đồng, tăng 99,79% về số lượng và 106,09% về giá trị. Về mạng lưới thiết bị phục vụ giao dịch thanh toán, đến cuối tháng 11/2022, toàn thị trường có 20.889 ATM, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021, có 404.726 POS, tăng 28,09% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả 11 tháng đầu năm 2022, TTKDTM trong nền kinh tế đạt hơn 6,6 tỷ giao dịch với giá trị hơn 192,38 triệu tỷ đồng (tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị); qua kênh Internet đạt hơn 1.192,67 triệu giao dịch với giá trị hơn 45,43 triệu tỷ đồng (tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3.941 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 39,4 triệu tỷ đồng (tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị); qua phương thức QR Code đạt hơn 59,6 triệu giao dịch với giá trị hơn 58,4 nghìn tỷ đồng (tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị); qua POS đạt hơn 564,54 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 932,93 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 53,57% và 48,78% so với năm 2021). Đến nay, đã có khoảng 18,8 triệu tài khoản và thẻ được mở bằng eKYC, đã có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức về mở thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-NHNN4 với hơn 13,2 triệu thẻ đang lưu hành.
Trong năm 2022, các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân. Trong tháng 11/2022, NHNN và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã tổ chức Lễ công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng QR Code giữa Việt Nam và Thái Lan. Về phía Việt Nam, một số ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia như NHTM cổ phần Tiên Phong, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín. Việc hợp tác hiệu quả giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hệ thống NHTM hai nước góp phần thúc đẩy giao thương, du lịch và đặc biệt là khuyến khích sử dụng đồng bản tệ mỗi nước.
NHNN tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện một số mô hình thí điểm như: (i) Thí điểm phát triển một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn tại Việt Nam dựa trên sự hợp tác của các NHTM với các tổ chức khác hướng tới khách hàng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM (NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phối hợp với Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service; NHTM cổ phần Quân đội (MB) phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)); (ii) Thí điểm dịch vụ Mobile-Money, hướng tới khách hàng không có tài khoản thanh toán; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chấp thuận cho 03 doanh nghiệp viễn thông (Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media), Viettel) triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Đến cuối tháng 9/2022, số tài khoản Mobile-Money được mở tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm là hơn 2,34 triệu tài khoản với hơn 8,2 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, đạt gần 15 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 929 tỷ đồng. Ngày 06/10/2022, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Viettel và VNPT-Media tổ chức Lễ ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile-Money và tài khoản thanh toán, cho phép khách hàng có tài khoản Mobile-Money tại hai nhà mạng Viettel và VNPT có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tiếp với tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và ngược lại.
Thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công tiếp tục được NHNN, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán quan tâm, đẩy mạnh. NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công như: (i) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thúc đẩy thanh toán viện phí, học phí không dùng tiền mặt; chỉ đạo các NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money tham gia hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học5; (ii) Phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai Đề án 06 (Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); (iii) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thúc đẩy thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt6; (iv) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan triển khai thúc đẩy thanh toán điện tử đối với dịch vụ công, trong đó có thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, sau hơn 02 năm khai trương, có hơn 3,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,3 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bên cạnh các nỗ lực phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán và mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, ngành Ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, giúp tạo lập niềm tin và sự gắn bó của khách hàng. NHNN thường xuyên, định kỳ tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cảnh báo, khuyến nghị về các vấn đề rủi ro trong hoạt động thanh toán; đồng thời thường xuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập các báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của các hệ thống thanh toán, giám sát tình hình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh phát triển TTKDTM đó chính là công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính của NHNN và các TCTD. NHNN đã phối hợp các đơn vị liên quan và cơ quan báo chí tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm như: Phối hợp với Báo Lao động tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam” và Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile-Money tại Việt Nam”; phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày thẻ Việt Nam năm 2022”; phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt - 16/6” hằng năm; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”.
Những kết quả trên cho thấy, những chính sách, quy định về thúc đẩy TTKDTM đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đưa TTKDTM với những phương thức thanh toán phi tiền mặt như thẻ thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua QR Code chuyển tiền tức thời 24/7... trở nên quen thuộc, hữu ích với người dân, doanh nghiệp.
Baokim, MediaMart, Amigo Fintech hợp tác triển khai thanh toán Mua trước trả sau. Ảnh: Thanh Tuấn.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TTKDTM GIAI ĐOẠN 2021-2025
Để triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTKDTM, trong đó tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về TTKDTM; xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống TTĐTLNH, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và hỗ trợ kết nối dịch vụ của các ngân hàng với các hệ thống của các ngành, lĩnh vực, dịch vụ khác.
Thứ ba, thực hiện tổng kết, đánh giá sau 02 năm thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money và kiến nghị, đề xuất chính sách quản lý phù hợp.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy TTKDTM trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; tham gia xây dựng văn bản, chính sách, quy định, hướng dẫn cho việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong việc xác thực và định danh khách hàng.
Thứ năm, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Từ những kết quả, nền tảng đã đạt được thời gian qua cùng với giải pháp theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, ngành Ngân hàng vững tin sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, thắng lợi mới về phát triển TTKDTM trong năm 2023.
1 Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 (đã được sửa đổi, bổ sung).
2 Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
3 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
4 Thông tư số 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN.
5 Công văn số 5786/NHNN-TT ngày 19/8/2022.
6 NHNN đã có Công văn số 4908/NHNN-TT ngày 15/7/2022 gửi Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức TTKDTM.
ThS. Phạm Anh Tuấn
Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo Tạp chí ngân hàng